Khoảng 500 lính tình nguyện đã tham gia cuộc biểu tình tại Quảng trường Độc lập ngày 1/2 tại trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine, yêu cầu Tổng thống đương nhiệm nước này Petro Poroshenko từ chức.
Phát biểu tại đây, những người lính tình nguyện tới từ khu vực chiến sự ở miền Đông Ukraine này tuyên bố các đơn vị tham chiến không được cung cấp tài chính và vũ khí.
Trong khi đó, cuộc đàm phán kéo dài 4 giờ đồng hồ nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn giữa lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine và Chính phủ Ukraine đã kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào.
Theo Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), lực lượng đòi độc lập không sẵn sàng thảo luận về các đề nghị của Nhóm tiếp xúc mà muốn đàm phán lại thỏa thuận tháng 9/2014. Tuy nhiên, Nhóm tiếp xúc khẳng định sẵn sàng tham vấn vào bất kì thời gian nào, đồng thời kêu gọi các bên thực hiện thỏa thuận Minsk.
Lực lượng đòi độc lập cho biết phía Chính quyền Ukraine yêu cầu đường ranh giới theo thỏa thuận ngày 19/9/2014, tuy nhiên họ cho rằng đường ranh giới này không phù hợp với thực tế thời gian đó cũng như thỏa thuận khi đó không có chữ ký của người đứng đầu 2 nước Cộng hòa tự xưng là Lugansk và Donesk.
Một bất đồng khác là phía Chính quyền Kiev yêu cầu Chính quyền Lugansk và Donesk tự xưng phải cử người đứng đầu tới đàm phán, trong khi lực lượng đòi độc lập cho rằng điều này không phù hợp vì đại diện phía chính quyền Kiev tham gia đàm phán là cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma không có thẩm quyền cần thiết.
Trong một diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, Bộ trưởng Hợp tác và phát triển Bỉ Alexander De Croo vừa thông báo Bỉ sẽ cung cấp khoản viện trợ nhân đạo khẩn cấp trị giá 2 triệu euro cho Ukraine.
Khoản viện trợ này nhằm hỗ trợ cho khoảng 1,5 triệu người dân Ukraine phải dời bỏ nhà cửa do xung đột vẫn đang tiếp diễn tại đất nước này. Nhờ sự hỗ trợ của Bỉ, Hội Chữ thập đỏ quốc tế có thể trợ giúp người dân bị nạn bằng cách cung cấp cho họ nơi tạm trú, thức ăn và nước uống.
Bộ trưởng Alexander De Croo nhấn mạnh tình hình nhân đạo tại Ukraine ngày một xấu đi. Hơn 1,5 triệu người đã phải trốn chạy khỏi khu vực chiến sự ở miền Đông.
Thuốc men thiếu trong khi bệnh sởi lan mạnh, tình trạng cắt điện và thiếu nước ngọt luôn tái diễn. Thêm vào đó, mùa Đông khắc nghiệt càng làm tình hình trở nên nghiêm trọng.
Cùng với việc không chi trả lương hưu, rất nhiều người không có phương tiện để trợ cấp nhu cầu hàng ngày. Bộ trưởng De Croo cũng cho biết kể từ cuộc chiến tranh Balkan trong những năm 90 của thế kỷ trước, châu Âu chưa có một cuộc khủng hoảng nhân đạo nào nghiêm trọng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine hiện nay./.