Theo đại diện Bộ Công Thương, dịch SARS-CoV-2 đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất công nghiệp.
Tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.
[Bộ trưởng Công Thương: Dự báo sát, ứng phó hiệu quả trước dịch bệnh]
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 7,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,4% của cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, ngành khai khoáng giảm 3,7% (cùng kỳ giảm 3,5%); ngành sản xuất và phân phối, điện, khí đốt, nước chỉ tăng 8,4% (cùng kỳ tăng 9,3%) và ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,9% (cùng kỳ tăng 6,4%).
Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, hầu hết những ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều có chỉ số sản xuất 2 tháng đầu năm tăng thấp hơn hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước.
Đơn cử, ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng khoảng 6,6% (tăng thấp hơn cùng kỳ năm trước 3,2 điểm phần trăm); trong khi ngành sản xuất đồ uống ước tính giảm 3,1% (cùng kỳ tăng 9,6%).
- Sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực:
Ngoài ra, ngành sản xuất xe có động cơ giảm 4,8% (cùng kỳ năm trước tăng 20,2%), trong đó ôtô giảm 11,5% (cùng kỳ năm trước tăng 15,1%); xe máy giảm 0,5% (cùng kỳ năm trước tăng 6,9%).
Để vượt qua khó khăn, Hiệp hội và doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ôtô đã kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành các chính sách mới về thuế nhập khẩu CKD phục vụ sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước cũng như có chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô sản xuất trong nước nhằm duy trì ngành công nghiệp này trong dài hạn./.