Lỗ hổng trong quản lý thẻ cào điện thoại tạo ra những "chiếu bạc ảo"

Các chuyên gia công nghệ thông tin lo ngại thực trạng tồn tại nhiều "lỗ hổng" trong quản lý các trò chơi trên mạng, dẫn đến bùng nổ các hình thức cá độ, lừa đảo.
Lỗ hổng trong quản lý thẻ cào điện thoại tạo ra những "chiếu bạc ảo" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Thời gian gần đây, dư luận quan tâm đến vụ việc khởi tố đường dây sử dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc trên mạng Internet. Qua vụ việc này, các chuyên gia công nghệ thông tin lo ngại thực trạng tồn tại nhiều “lỗ hổng” trong quản lý các trò chơi trên mạng, dẫn đến bùng nổ các hình thức cá độ, lừa đảo.

Ngoài ra, việc sử dụng thẻ cào viễn thông như một phương tiện trung gian thanh toán cũng thể hiện sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng với đơn vị phát hành thẻ.

Tiền "ảo," thanh toán “thật"

Sau khi phát hiện đường dây đánh bạc nghìn tỷ đồng qua mạng, Bộ Công an đã đưa thông tin về vụ án “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành phố."

Kết quả quá trình điều tra đã xác định đường dây tổ chức đánh bạc này có liên quan đến các doanh nghiệp viễn thông công nghệ cao. Từ vụ án này, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, luật sư... cho rằng hiện nay đang tồn tại những “kẽ hở” khiến các bên liên đới trong vụ đánh bạc trên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật S&B khẳng định hiện việc sử dụng thẻ cào để thanh toán trên mạng đã tạo ra sự lưu thông một dạng tiền-thẻ cào trên mạng với tốc độ thanh toán nhanh chóng. Ngành game online sống cộng sinh với thẻ cào bởi rõ ràng cả hai đơn vị đều được lợi từ hoạt động này. Các game thủ đã quen với việc đổi thẻ cào điện thoại thành các vật phẩm ảo cũng như mua bán các vật phẩm ảo thanh toán bằng thẻ điện thoại.

[Khởi tố, bắt tạm giam bị can Nguyễn Thanh Hóa về tội tổ chức đánh bạc]

Hiện nay, mặc dù đã có quy định cấm đổi các loại “tiền ảo” thành tiền mặt, nhưng chưa có quy định về việc sử dụng thẻ cào làm công cụ trung gian thanh toán trên mạng. Do vậy, các nhà mạng, đơn vị phát hành và hưởng lợi từ việc bán thẻ có thể vin vào lý do nhà mạng không quản lý mục đích sử dụng thẻ cào và trở thành đơn vị không liên quan.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu rõ hiện nhà mạng chỉ cung cấp kênh để nạp tiền vào tài khoản game, đến đó là kết thúc vai trò. Việc khách hàng chơi bài, đánh bạc, đổi thưởng, lấy tiền ra, nhà mạng không chịu trách nhiệm...

Cần sự phối hợp quản lý

Trên nhiều trang mạng, người dùng có thể tìm thấy hướng dẫn cách đổi Rik ra tiền mặt, đổi RikVip ra thẻ điện thoại, các đơn vị cung cấp thẻ cào điện thoại, các đơn vị trung gian thanh toán... đã dễ dàng cung cấp dịch vụ cho game bài Rikvip/Tip.club. Việc các cổng trung gian thanh toán đóng vai trò quan trọng trong hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến của game Rikvip/Tip.club vẫn hoạt động công khai trên mạng cho thấy cơ quan chức năng chưa có quy định, chế tài quản lý hoạt động thanh toán trên mạng.

Với sự đơn giản, phổ biến trong việc chuyển đổi tiền mặt-thẻ cào-tiền ảo và ngược lại, tội phạm công nghệ cao có thể dễ dàng lợi dụng các dịch vụ này để tiến hành các các hoạt động phi pháp khác trên mạng như mua bán hàng hóa cấm, sử dụng các dịch vụ cho vay nặng lãi, cá độ, lừa gạt...

Trước thực trạng hoạt động không bị kiểm soát của thẻ cào điện thoại, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết để quản lý chặt chẽ vấn đề thanh toán trên mạng, cần sự quản lý từ phía Ngân hàng Nhà nước ngay từ trước khi phát hành thẻ cào bởi thẻ cào đã trở thành phương tiện trung gian thanh toán.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phải đưa ra các biện pháp quản lý các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông. Các đơn vị không để mất kiểm soát đối với hoạt động phát hành, sử dụng thẻ cào viễn thông khiến các thẻ cào dễ dàng trở thành phương tiện thanh toán cho các dịch vụ ngoài viễn thông, tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng để xây dựng hệ thống thanh toán cho hoạt động đánh bạc trực tuyến.

Nếu sử dụng để thanh toán phí cho các nhà cung cấp dịch vụ khác và mua các loại hàng hóa khác, phải coi thẻ cào là phương tiện tài chính (một dạng tiền ảo) và quản lý như một phương tiện tài chính.

Giải quyết vụ việc đánh bạc trên mạng này, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, trong tháng 5/2018 báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và đề xuất biện pháp quản lý, xử lý đối với việc sử dụng các hình thức thanh toán trên Internet, đặc biệt là các hoạt động thanh toán liên quan tới các hành vi phạm pháp luật (như trốn thuế, đánh bạc, rửa tiền...)

Như vậy, việc sử dụng thẻ cào điện thoại vào các mục đích khác nạp cước viễn thông là chuyện không mới. Nhưng chính “lỗ hổng” trong việc quản lý đơn vị phát hành thẻ điện thoại và mục đích sử dụng đã tạo điều kiện để tội phạm công nghệ lợi dụng kiếm lời bất chính tạo ra những "chiếu bạc ảo," cá độ xuyên quốc gia với giá trị tiền thực lên đến cả nghìn tỷ đồng... Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng có liên quan cần tập trung tìm ra phương án hợp tác để hạn chế các vụ việc tương tự trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục