Loài hoa Rafflesia lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ tuyệt chủng

Do sự biến mất nhanh chóng của môi trường sống trong rừng cũng như các chiến lược bảo tồn và kế hoạch bảo vệ chưa phù hợp, loài hoa Rafflesia lớn nhất thế giới đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Loài hoa Rafflesia lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ tuyệt chủng ảnh 1Một bông hoa Rafflesia tuan-mudae nở rộ tại Agam, tỉnh Tây Sumatra, Indonesia ngày 2/1/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một nghiên cứu mới, được đăng tải ngày 20/9 trên tạp chí Plants, People, Planet cảnh báo hầu hết các giống của loài hoa Rafflesia lớn nhất thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Trước đó, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp một trong các giống của loài hoa này vào cấp độ "cực kỳ nguy cấp."

Rafflesia từ lâu đã thu hút trí tưởng tượng với những cánh hoa khổng lồ có đốm màu đỏ. Trên thực tế, đây là loài thực vật mọc ký sinh trên các cây nho nhiệt đới ở khắp các vùng của Đông Nam Á, tạo ra những bông hoa lớn nhất thế giới.

Những bông hoa mọc lên một cách khó đoán và luôn là điều bí ẩn. Các nhà thực vật học đã có thể nhân giống hoa này bên ngoài môi trường tự nhiên, song vẫn còn rất hạn chế.

["Hoa thối" Rafflesia tuan-mudae lớn nhất thế giới nở rộ tại Indonesia]

Để hiểu rõ hơn về Rafflesia và tình trạng bảo tồn của loài thực vật này, nhóm các nhà thực vật học quốc tế đã kiểm tra 42 giống hoa Rafflesia đã biết và môi trường sống của chúng – chủ yếu là tại Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.

Kết quả cho thấy do sự biến mất nhanh chóng của môi trường sống trong rừng, cũng như các chiến lược bảo tồn và kế hoạch bảo vệ chưa phù hợp, loài thực vật này đang ngày càng gặp nhiều rủi ro hơn so với trước đây.

Các nhà nghiên cứu ước tính "60% loài Rafflesia đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng nghiêm trọng.”

Nghiên cứu cũng cho thấy thậm chí một số giống có nguy cơ tuyệt chủng trước khi chúng được khoa học biết đến, đồng thời kêu gọi nghiên cứu thêm về loài thực vật này.

Nghiên cứu chỉ ra rằng hoa Rafflesia sinh trưởng tại những khu vực khá hạn chế, khiến chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự hủy hoại môi trường sống.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nêu bật một số điểm sáng trong nỗ lực bảo tồn, bao gồm việc nhân giống thành công tại một vườn thực vật ở Tây Java và du lịch sinh thái bền vững xung quanh loài thực vật này ở Tây Sumatra (Indonesia)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục