Nhiều tháng sau khi chú tê giác trắng phương Bắc giống đực duy nhất trên thế giới có tên Sudan qua đời, các nhà khoa học đã phát triển thành công một phôi thai chứa ADN của loài tê giác này với hy vọng có thể cứu họ tê giác trắng phương Bắc khỏi bờ vực tuyệt chủng.
Tê giác trắng là loài động vật quý hiếm đang trên bờ vực tuyệt chủng. Loài này gồm hai quần thể tê giác trắng phương Bắc và tê giác trắng phương Nam.
Trên thế giới hiện chỉ con 2 chú tê giác trắng phương Bắc duy nhất còn sống sót và đều là tê giác cái đang trong độ tuổi sinh sản, trong khi quần thể tê giác trắng phương Nam vẫn còn khoảng vài nghìn con.
Vì vậy, các nhà nghiên cứu hy vọng công nghệ đột phá giúp tạo phôi thai chứa ADN của chú tê giác đực Sudan sẽ giúp tái tạo quần thể tế giác trắng phương Bắc quý hiếm này.
[Infographics] Tê giác trắng miền Bắc đang có nguy cơ tuyệt chủng
Đây là lần đầu tiên thử nghiệm tạo phôi thai tê giác trắng phương Bắc trong ống nghiệm thành công và phôi hiện đang được đông lạnh với khả năng cao sẽ phát triển thành thai trong bụng tê giác mẹ được cấy ghép.
Những phôi thai này được phát triển từ mẫu tinh trùng đông lạnh của những chú tê giác trắng phương Bắc đực đã chết và trứng của loài tê giác trắng phương Nam.
Chuyên gia Thomas Hildebrandt đến từ Viện Nghiên cứu động vật hoang dã và sở thú Leibniz (Đức) cho biết mục tiêu trước mắt là tạo ra một chú tê giác trắng phương Bắc nhỏ trong 3 năm tới.
Như vậy, các nhà khoa học sẽ chỉ còn chưa đầy một năm để có thể thực hiện cấy ghép phôi thai vào cơ thể những chú tê giác trắng cái bởi quá trình mang thai ở loài này kéo dài 16 tháng.
Nhóm nghiên cứu cũng hy vọng sẽ sử dụng công nghệ lấy trứng từ hai chú tê giác trắng phương Bắc cái còn lại hiện đang ở công viên quốc gia Kenya để tạo phôi.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng tiềm ẩn nguy cơ khi quá trình lấy trứng buộc các nhà khoa học phải gây mê với hai cá thể này trong vòng 2 giờ và đảm bảo tuyệt đối không có bất trắc xảy ra ảnh hưởng tới tính mạng hai cá thể cuối cùng của loài tế giác quý hiếm này./.