Lợi nhuận của các ngân hàng bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm

Dù lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm của các ngân hàng ở mức cao nhưng các chuyên gia lại dự báo mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ thấp hơn so với đầu năm.
Lợi nhuận của các ngân hàng bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng Sáu, tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế đạt 9,35%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế, của doanh nghiệp trên tất cả các lĩnh vực là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tín dụng tăng mạnh trong nửa đầu năm đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh, lợi nhuận của các ngân hàng.

Nhiều ngân hàng "thắng đậm"

Là một trong những ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 sớm nhất, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SeABank) ghi nhận 5.029 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 157% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài tăng trưởng ở mảng cho vay, ngân hàng này còn ghi nhận tăng trưởng cao ở các khoản thu ngoài lãi, mang về 1.736 tỷ đồng, cao hơn 226% so với cùng kỳ.

Kết quả kể trên giúp SeABank thu về khoản lợi nhuận trước thuế 2.806 tỷ đồng sau nửa năm, tăng tới 180% so với cùng kỳ.

[Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc nới hạn mức tín dụng]

Tương tự, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc tế (VIB) cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 8.700 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần đạt 7.200 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Nguồn thu nhập ngoài lãi đạt hơn 1.500 tỷ đồng, đóng góp hơn 18% vào tổng thu nhập hoạt động.

Tiếp đến, Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) cũng cho biết đã thu về 3.788 tỷ đồng lợi nhuận sau nửa đầu năm nay, tăng gần 26% so với cùng kỳ; trong đó lợi nhuận riêng quý 2 của ngân hàng đã tăng 34%, đạt gần 2.200 tỷ đồng.

Dù chưa chính thức công bố báo cáo tài chính quý 2 năm nay nhưng một lãnh đạo Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) cho biết trong nửa đầu năm nay, ngân hàng này đã thu về xấp xỉ 5.900 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 84% so với cùng kỳ năm trước.

Lãnh đạo này cho biết kết quả lợi nhuận kể trên có được là nhờ ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cao ở tổng thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh với trên 9.400 tỷ đồng, cao hơn 113% so với cùng kỳ năm 2021.

Các ngân hàng khác như Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), Ngân hàng Thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng dự báo lợi nhuận tăng hàng chục, thậm chí là hàng trăm % so với cùng kỳ.

Lãnh đạo Vietcombank cho biết đến cuối tháng Năm, lợi nhuận trước thuế ngân hàng thu về được đã tăng 30% so với cùng kỳ. Cơ sở để ngân hàng đưa ra mức dự báo này là nhờ nhu cầu tín dụng tăng mạnh từ đầu năm, trong khi huy động tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng rất tích cực.

Các chuyên gia cho rằng hoạt động tín dụng và nguồn thu từ phí của các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tốt từ đó giúp các ngân hàng ghi nhận lãi cao trong quý 2 nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung.

Theo giới chuyên môn, ngân hàng vẫn ''kiếm đậm'' trong 2 quý vừa qua nhờ tăng trưởng tín dụng ở mức mạnh nhất trong nhiều năm gần đây.

Lợi nhuận của các ngân hàng bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm ảnh 2SSI dự báo lợi nhuận trước thuế của 10 ngân hàng trong quý 2/2022

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho hay hết tháng Tư, tín dụng Vietcombank đã tăng trưởng ở mức trên 9%, tương đương tăng ròng khoảng 100.000 tỷ đồng. Theo ông Cường, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp sau 2 năm COVID giống như ''cơn khát sau trận hạn hán'' nên tăng lên rất nhanh. Với ''room'' tín dụng hiện nay, chắn chắc sẽ không đáp ứng đủ. Vì vậy, đại diện Vietcombank đề nghị Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng một cách phù hợp để tham gia hỗ trợ khách hàng.

Chia sẻ với giới phân tích và nhà đầu tư, ban lãnh đạo MB cũng tỏ ra rất lạc quan về tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trong năm 2022. Tổng Giám đốc Lưu Trung Thái cho biết MB được Ngân hàng Nhà nước giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tạm thời là 15% nhưng đến cuối tháng Ba đã tăng trưởng 10%, tương đối nhanh so với hạn mức được cấp. Năm 2022, MB có kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20% và chuẩn bị cho các kịch bản tăng trưởng đột biến.

Lợi nhuận có “kém sắc” hơn trong nửa cuối năm?

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng, chuyên gia công ty chứng khoán SSI Research dự báo mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng trong sáu tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2021 tương đối thấp.

Theo SSI Research, tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Cụ thể, để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Nhìn chung, nhóm phân tích kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt mức 15%-16%.

Lợi nhuận của các ngân hàng bứt phá mạnh trong 6 tháng đầu năm ảnh 3Nhập mô tả cho ảnh

SSI Research cũng dự báo các nguồn thu ngoài lãi của các ngân hàng sẽ giảm tốc trong nửa cuối năm. Theo đó, ngoài việc không còn lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.

Mặt khác, nhóm phân tích cho rằng các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023.

Dù vậy, các ngân hàng đều kỳ vọng có lợi nhuận tốt nhờ những thông tin tích cực. Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Nhà nước, có 72,5%-80,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý 3 và cả năm 2022 với mức độ cải thiện cao hơn so với kỳ liền trước.

Trong quý 3 có 54,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục “tăng nhẹ” so với quý 2. Ngoài ra, có 38,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng “không đổi” và 6,5% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.

Trong năm 2022, có 87,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm trước. Bên cạnh đó, vẫn có 8,5% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 (tăng so với tỷ lệ 5,8% tổ chức tín dụng dự kiến tại kỳ điều tra tháng 3/2022) và 3,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.