Lợi nhuận hợp nhất BIDV đạt 11.084 tỷ đồng, bao phủ nợ xấu đạt 279%

Cho vay khách hàng tại BIDV đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, trong đó dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng FDI và bán lẻ.
BIDV duy trì hoạt động ổn định, an toàn, tăng trưởng tích cực. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022 với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 11.084 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 53,8% kế hoạch năm.

Bên cạnh đó, tổng tài sản hợp nhất cuối quý 2 đạt trên 1,98 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,4% so với đầu năm. Huy động vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Đến 30/6, tiền gửi của khách hàng và phát hành giấy tờ có giá đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với đầu năm. Huy động vốn tăng trưởng đồng thời ở cả phân khúc bán lẻ và bán buôn.

[BIDV tăng vốn điều lệ lên trên 61.000 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 53%]

Trong hoạt động tín dụng, cho vay khách hàng đạt trên 1,48 triệu tỷ đồng, tăng 9,5% so với đầu năm, tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức thực hiện cùng kỳ các năm trước, trong đó dư nợ tín dụng tăng trưởng tốt ở các phân khúc khách hàng FDI (32,7%), khách hàng bán lẻ (15,8%) và khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (8,3%). Chênh lệch thu chi hợp nhất đạt 24.856 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Chất lượng tín dụng được cải thiện tích cực so với đầu năm với tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 0,83%, đảm bảo theo định hướng điều hành; tỷ lệ nợ nhóm 2 theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN là 1,28%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 279%, mức cao nhất từ trước đến nay, tăng so với mức 235% thời điểm 31/12/2021. BIDV thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo phân loại nợ. Các chỉ tiêu an toàn đảm bảo theo quy định.

Với tầm nhìn trở thành định chế tài chính có nền tảng số tốt nhất Việt Nam, BIDV đã ra mắt công nghệ bảo mật 3D Secure, công nghệ thanh toán chạm Contactless, công nghệ Blockchain trong tính điểm hoàn tiền cho khách hàng qua ứng dụng ngân hàng BIDV SmartBanking.

BIDV là ngân hàng đầu tiên phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân - Bộ Công an triển khai thành công việc ứng dụng Căn cước công dân gắn chip trên các giao dịch tại khu vực tự phục vụ của BIDV như ATM, E-Zone…; ra mắt Ngân hàng số Omni BIDV iBank cho khách hàng tổ chức…

Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình hệ thống, điều hành hoạt động kinh doanh theo hướng tập trung gia tăng các nguồn thu phi lãi, tăng cường các dịch vụ ngân hàng điện tử, tối đa hóa các nguồn thu và kiểm soát chi phí./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục