Lợi nhuận ngân hàng: Tiết lộ những "điểm tựa" để bứt phá mạnh mẽ

Nếu những năm trước lợi nhuận của các nhà băng đến từ tín dụng-đầu tư thì năm nay, một số ngân hàng đã tăng thu từ các hoạt động khác để tạo nên sự bứt phá mạnh mẽ.
Lợi nhuận ngân hàng: Tiết lộ những "điểm tựa" để bứt phá mạnh mẽ ảnh 1Giao dịch tại HDBank. (Nguồn: HDBank)

Mặc dù hiện nay chưa có đến một nửa số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm nhưng hầu hết con số lợi nhuận trước thuế đều tăng trưởng rất tốt, thậm chí có ngân hàng còn “bứt phá” tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ.

Các nhà băng cho biết, lợi nhuận chủ yếu thu được là từ cho vay, dịch vụ bán lẻ, khách hàng cá nhân…

Nhiều ngân hàng tăng mạnh

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, không ngạc nhiên khi Vietcombank vẫn là ngân hàng soán ngôi dẫn đầu với mức lợi nhuận trước thuế đạt 8.016 tỷ đồng, tăng tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái.

[TPBank báo lãi hơn 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm]

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, động lực tăng trưởng lợi nhuận của Vietcombank tiếp tục là mảng tín dụng–đầu tư khi đem về 12.997 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 19%. Trong khi đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt 1.732 tỷ đồng, tăng 32%; lãi thuần từ hoạt động ngoại hối đạt 1.039 tỷ đồng, giảm nhẹ 2,3%; lãi thuần từ mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 486 tỷ đồng, tăng 91%.

Các hoạt động khác, chủ yếu là hoàn nhập dự phòng, đem về cho Vietcombank tới 2.382 tỷ đồng, gấp 2,6 lần nửa đầu năm 2017.

Tại hội nghị sơ kết, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết nhiều khả năng lợi nhuận năm nay sẽ còn cao hơn mức 14.000 tỷ đồng chỉ tiêu đề ra và vượt 15.000 tỷ đồng.

Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, Techcombank vừa công bố con số lợi nhuận trước thuế cao ngất ngưởng tới 5.196 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ 2017. Đây thực sự là một con số không tưởng khi mà vài năm trước ngân hàng này chỉ lẹt đẹt ở những con số rất “cầm chừng”. Tạm tính đến thời điểm này Techcombank là ngân hàng có con số lợi nhuận cao nhất trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết, dư nợ cho vay đạt 166.000 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Cho vay khách hàng cá nhân chiếm 50%, doanh nghiệp nhỏ và vừa 25%, phần còn lại là nhóm khách hàng khác. Nhóm khách hàng cá nhân đã mang lại yếu tố bền vững trong cấu trúc lợi nhuận ngân hàng.

Một số ngân hàng khác có tốc độ phát triển nhanh trong 2 năm trở lại đây là do do tiếp tục tăng cường áp dụng các giải pháp quản trị doanh nghiệp tiên tiến, đưa các ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động vận hành, nhờ đó đã đưa mức lợi nhuận trước thuế của những ngân hàng này lên khá cao.

Điển hình là VPBank trong nửa đầu năm nay tăng 34%, từ 3.264 tỷ đồng nửa đầu năm 2017 lên 4.375 tỷ đồng. Mức lợi nhuận cao đã đưa VPBank trở thành một trong những ngân hàng đóng góp nhiều nhất vào ngân sách nhà nước. Tổng số thuế VPBank đã đóng trong năm 2017 đạt xấp xỉ 2.100 tỷ đồng.

HDBank cũng vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất với lợi nhuận trước thuế đạt 2.063 tỷ đồng, tăng hơn 2,3 lần so với cùng kỳ. Thu nhập từ các hoạt động kinh doanh của HDBank đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt bên cạnh thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự có tăng trưởng ổn định (14%). Riêng thu nhập từ lãi thuần tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thu nhập khác đều tăng mạnh với nguồn thu đa dạng hóa. Đặc biệt, trong tổng lợi nhuận tăng mạnh của ngân hàng này, công ty tài chính HD SAISON đóng góp 400 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Còn TPBank sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt mức 1.024 tỷ đồng, tăng 541 tỷ đồng, tương đương 212% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số ngân hàng khác cũng có mức lợi nhuận tăng rất tốt là VIB đạt tới 1.151 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2017. Đây là kết quả của việc doanh thu ròng đạt 2.701 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ, trong khi chi phí hoạt động chỉ ở mức 1.316 tỷ đồng, tăng 16%. Mặt khác, với chất lượng tín dụng liên tục được cải thiện, chi phí dự phòng được duy trì ở mức thấp là 234 tỷ đồng.

Không chỉ các ngân hàng lớn công bố lợi nhuận tăng mạnh, một số ngân hàng vừa và nhỏ cũng có mức lãi ấn tượng, tăng trưởng cao. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của VietBank đã tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ đạt 201 tỷ đồng. Kết quả này là nhờ nhiều mảng kinh doanh đều có tăng trưởng khả quan trong khi chi phí hoạt động thu hẹp lại.

Lợi nhuận ngân hàng: Tiết lộ những "điểm tựa" để bứt phá mạnh mẽ ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: VIB)

Tăng nhưng cần thận trọng

Đánh giá về con số lợi nhuận tăng mạnh của các ngân hàng đạt được trong nửa đầu năm nay, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định, ngoài hoạt động chính là tín dụng, lợi nhuận mà các ngân hàng thu về còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như chi phí hoạt động, dịch vụ bán lẻ…

Ông Lực phân tích, trong 2 năm trở lại đây, các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ tại đề án 1058, nhằm đảm bảo tính ổn định bền vững và lâu dài trong việc tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng cũng như tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân và doanh nghiệp.

Còn theo đánh giá của các chuyên gia đến từ Công ty chứng khoán HSC, thời gian qua các dòng thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng cũng rất tốt nhờ lợi nhuận từ kinh doanh ngoại hối trong môi trường biến động tỷ giá, phí dịch vụ tăng và thị trường chứng khoán khởi sắc trong quý 1 cũng như việc bán một phần danh mục trái phiếu Chính phủ để hiện thực hóa lợi nhuận.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, lợi nhuận cao của các ngân hàng còn có đóng góp từ gia tăng nguồn thu thanh lý các tài sản đảm bảo ngoại bảng đã được trích lập đầy đủ và xóa nợ. Và theo đó, lợi nhuận của họ nhẹ nhàng đi lên.

Ngoài ra, ngành ngân hàng cũng đang đến mùa thu “quả ngọt” từ mảng bancasuarrance, vốn tập trung phát triển trong những năm gần đây như VPBank, Techcombank, MB, VIB. Điển hình là mô hình kinh doanh bảo hiểm chuyên biệt đã giúp VIB tăng doanh số bán mới bảo hiểm 151% so với cùng kỳ năm 2017 và là một trong ba ngân hàng có thị phần bán bảo hiểm nhân thọ cao nhất thị trường.

Tuy nhiên, đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nhưng chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, dù lợi nhuận đạt kết quả tích cực nhưng việc có hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2018 hay không vẫn chưa có gì chắc chắn, nhất là khi nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng rất cao. Trong khi đó, môi trường kinh doanh trong 6 tháng cuối năm có thể sẽ có những thay đổi và biến động khó lường kể cả trong nước và thế giới.

Ông Hiếu phân tích, đây mới chỉ là kết quả của nửa năm chứ chưa phải cả năm. Trong quá trình hoạt động, ngân hàng có nhiều khoản trích lập dự phòng, có một số ngân hàng có quỹ trích lập mỗi tháng nhưng cũng có ngân hàng trích lập dự phòng mỗi quý, có ngân hàng đến hết năm mới trích lập dự phòng. Do đó, kết quả lợi nhuận đạt được trong hai quý đầu có thể là dấu hiệu đáng mừng nhưng chưa phải là tiêu biểu cho cả năm.

Còn một chuyên gia khác thì đưa ra lời khuyên với các ngân hàng cần minh bạch hơn trong vấn đề sổ sách vì một số ngân hang đã đưa lãi dự thu để tính vào phần lợi nhuận.

“Hiện nhiều lãi dự thu là nợ xấu, họ chưa trả được tiền nhưng ngân hàng vẫn tính, khi hạch toán lãi đó thì lại trở thành tài sản của ngân hàng và làm ‘phồng’ tài sản có của các ngân hàng lên và như vậy thì đương nhiên lợi nhuận cũng sẽ được phồng lên theo như thế. Chính vì vậy, sổ sách của các ngân hàng cần phải minh bạch để có thể thẩm định được chính xác mức lợi nhuận,” vị chuyên gia trên nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.