Lợi nhuận tại ba “ông lớn” ngân hàng của Mỹ là JPMorgan Chase, Goldman Sachs and Wells Fargo đã tăng mạnh trong quý 1 nhờ bối cảnh kinh tế vĩ mô được cải thiện đã làm giảm số tiền mà các ngân hàng phải dành ra để đề phòng nợ xấu.
Tại JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước Mỹ tính theo khối tài sản, lợi nhuận đạt hơn 14 tỷ USD, gấp khoảng năm lần cũng kỳ năm ngoái. Con số này bao gồm cả trên 5 tỷ USD được giải phóng từ quỹ dự phòng nợ xấu được lập ra trước đó trong bối cảnh dịch bệnh. Doanh thu của JPMorgan Chase tăng 14% lên hơn 33 tỷ USD.
Dù đạt kết quả khả quan, nhưng các nhà lãnh đạo của JPMorgan thừa nhận hoạt động cho vay ở nhiều lĩnh vực còn ảm đạm, do các chương trình hỗ trợ của chính phủ đã làm giảm nhu cầu vay của các hộ gia đình và doanh nghiệp. Các khoản vay qua thẻ tín dụng của JPMorgan đã giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái, và hoạt động cho vay ở mảng bán buôn cũng suy giảm.
Tại Goldman Sachs, lợi nhuận tăng hơn gấp năm lần so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 7 tỷ USD, trong khi doanh thu tăng gấp hơn hai lần lên gần 18 tỷ USD, đều là những con số cao kỷ lục tính theo quý. Kết quả này đã bao gồm 70 triệu USD từ quỹ phòng trừ nợ xấu.
[JPMorgan: Kinh tế Mỹ sẵn sàng cho giai đoạn "tăng tốc" hồi phục]
Goldman cho rằng các thương vụ chào bán cổ phiếu lớn và một loạt hoạt động mua bán và sáp nhập là động lực thúc đẩy mảng ngân hàng đầu tư. Ngân hàng ở New York này đã ghi nhận mức tăng đến 47% trong doanh thu toàn cầu so với cùng kỳ năm 2020 lên 7,6 tỷ USD, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Tại Wells Fargo, ngân hàng có mảng đầu tư nhỏ hơn nhiều so với JPMorgan và Goldman, lợi nhuận tăng lên 4,7 tỷ USD, cao gấp hơn bảy lần cùng kỳ năm ngoái, trong đó đã bao gồm 1,6 tỷ USD từ quỹ phòng trừ nợ xấu. Doanh thu của Wells Fargo tăng 2% lên hơn 18 tỷ USD.
Giám đốc điều hành Wells Fargo Charlie Scharf cho biết điều kiện kinh tế cải thiện đã đẩy số nợ xấu của ngân hàng này xuống mức thấp lịch sử, dù lãi suất và nhu cầu vay thấp tiếp tục là “cơn gió ngược” trong quý 1.
Về triển vọng trong tương lai, Giám đốc điều hành Goldman Sachs David Solomon cho rằng nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2021 và vào năm 2022, nhưng vẫn có nguy cơ lạm phát tăng mạnh, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải có những biện pháp mạnh mẽ để thắt chặt chính sách tiền tệ./.