Long An bảo tồn nghề dệt chiếu lác - di sản phi vật thể quốc gia

Nghề dệt chiếu lác (cói) ở Long An đã được công nhân là di sản phi vật thể quốc gia nhưng những người dệt chiếu lâu năm ở đây đang lo lắng vì thế hệ trẻ chưa có ai kế tục công việc này.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nghề dệt chiếu lác (cói) đã gắn liền với quá trình đi khai hoang, mở đất của người Việt ở Long An từ những năm đầu của thế kỷ 20.

Trải qua bao thăng trầm, đến nay, nghề dệt chiếu lác là một trong những nghề có truyền thống lâu đời của người dân các địa phương ở Long An như Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức… Trong đó, xã Long Định, huyện Cần Đước, đã được chọn là địa điểm đại diện trong hồ sơ công nhận nghề dệt chiếu lác ở Long An là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tháng 12/2014, nghề dệt chiếu lác ở Long An chính thức được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia.

Xã Long Định, huyện Cần Đước là một trong những cái nôi của nghề dệt chiếu lác ở Long An. Nơi đây có nhiều người thợ giữ bí quyết dệt chiếu truyền thống, tạo ra những sản phẩm đẹp có tiếng.

Dệt chiếu không chỉ là kế sinh nhai mà còn là truyền thống của gia đình và là di sản cần được bảo tồn.

Gia đình ông Phạm Văn Bâu và bà Hồ Thị Trong, ấp 1, xã Long Định, huyện Cần Đước, gắn bó với nghề dệt chiếu lác gần 60 năm nay. Đã qua tuổi thất thập cổ lai hy, hai vợ chồng ông Bâu vẫn rất nhanh nhẹn trong các thao tác dệt. Trung bình, mỗi tháng ông bà dệt được khoảng 30 đôi chiếu, thu nhập từ 1-2 triệu đồng.

Bà Trong chia sẻ, bà gắn bó với nghề dệt chiếu từ thời con gái, đến khi lấy chồng, cũng theo nghề này. Đây là nghề truyền thống nhiều đời của cả gia đình bà và gia đình chồng.

Nhờ nghề dệt chiếu mà vợ chồng bà đã nuôi gần chục đứa con trưởng thành. Bây giờ ông bà dệt chiếu không chỉ để kiếm thêm thu nhập mà còn muốn làm gương cho con cháu giữ nghề truyền thống.

Nghề dệt chiếu không quá khó nhưng lại khá vất vả vì phải trải qua nhiều công đoạn như cắt, phơi, nhuộm và đan lác thành chiếu.

Hầu hết các cơ sở dệt chiếu ở đây có quy mô hộ gia đình và cá thể nhỏ lẻ, nên đều tự trồng lác và sơ chế nguyên liệu bằng phương pháp thủ công.

Dệt chiếu có 2 phương pháp cơ bản là dệt chiếu trơn và dệt chiếu hoa. Trong đó, chiếu hoa gồm 2 loại là dệt hoa và in hoa, nhằm tạo hoa văn, đề tài theo mẫu thiết kế sẵn hoặc theo yêu cầu của khách hàng.

Có thể kể đến một số loại chiếu dệt hoa thông thường như chiếu phệt, chiếu sọc Miên, chiếu hột mè, chiếu lảy…

Gia đình ông Phan Hoàng Sơn, ấp 2, xã Long Định, Cần Đước, là một trong những hộ có thâm niên dệt chiếu lảy gần 40 năm. Chiếu lảy là loại chiếu có các dòng chữ, hoa văn nổi được người thợ khéo léo tạo nên từ sự sắp đặt các sợi lác.

Loại chiếu này thường được dùng để trải giường cưới, mừng nhà mới hay các dịp lễ, Tết.

Theo ông Sơn, dệt chiếu lảy tốn nhiều thời gian và công sức hơn dệt chiếu thường. Trung bình mỗi ngày, hai người chỉ dệt được một lá chiếu, do đó giá thành của sản phẩm này cũng cao hơn chiếu trơn từ 4-5 lần, lợi nhuận thu được cũng khá hơn.

Ông Phan Hoàng Sơn chia sẻ thêm, dịp Tết, số lượng chiếu được khách đặt tăng lên gấp đôi, gấp ba. Đặc biệt là các loại chiếu lảy có chữ và hoa văn.

Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng chiếu và thời gian giao hàng, gia đình ông chỉ nhận với số lượng hạn chế.

Ngày nay, dù các loại chiếu trúc, chiếu nhựa có mặt đa dạng trên thị trường nhưng chiếu lác truyền thống vẫn được nhiều khách hàng ưa chuộng. Do vậy, sản phẩm chiếu làm ra không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn được xuất khẩu.

Cùng với sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bên cạnh phương pháp dệt chiếu thủ công nhiều hộ đã chuyển sang dệt chiếu máy để tiết kiệm nhân công, chi phí sản xuất và đáp ứng đủ số lượng theo nhu cầu của thị trường.

Mặc dù, nghề dệt chiếu lác đã đồng hành cùng người dân Long Định qua nhiều thế hệ, thị trường tiêu thụ các loại chiếu lác truyền thống đang rộng cửa nhưng lại có một nỗi lo khác, đó là bảo tồn và phát triển nghề.

Làng quê đang từng bước công nghiệp hóa, ruộng lác ngày càng thu hẹp, nông dân nhiều người đã trở thành công nhân.

Gia đình bà Hồ Thị Trong có gần chục người con, nhưng hiện nay đều đã thoát ly đi làm các cơ quan nhà nước hoặc công nhân trong các khu công nghiệp gần nhà. Không người con nào của bà còn theo nghề dệt chiếu, đó cũng là lý do khiến ông bà đã gần 80 tuổi vẫn chưa nỡ bỏ nghề.

Tương tự gia đình bà Hồ Thị Trong, các con của ông Phan Hoàng Sơn cũng đi làm công nhân. Nghề dệt chiếu lảy mấy đời trong gia đình giờ ông không biết truyền lại cho ai.

Thực tế cho thấy, nỗi lo của những người thợ dệt lâu năm không phải không có cơ sở. Theo thống kê, thời điểm trước năm 2005, xã Long Định có hơn 80% số hộ (khoảng hơn 2.000 hộ) trong xã tham gia dệt chiếu và coi đó là nghề đem lại thu nhập chính cho gia đình.

Tuy nhiên, từ khi xã thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp và thương mại dịch vụ thì số hộ dệt chiếu giảm đáng kể.

Đến nay, toàn xã chỉ còn khoảng 12% số gia đình dệt chiếu ở quy mô nhỏ lẻ (khoảng hơn 300 hộ). Những người trực tiếp dệt chiếu hiện nay chủ yếu là người già và trẻ em chưa đến tuổi lao động chính.

Ông Nguyễn Sơn Lâm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Long Định, huyện Cần Đước cho biế thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, thương mại và dịch vụ, những năm gần đây, diện tích đất trồng lác nguyên liệu trên địa bàn bị thu hẹp, lượng nhân công đi làm công nhân trong các khu công nghiệp tăng dẫn đến số lượng hộ dệt chiếu giảm sút rõ rệt.

Thời gian tới, xã Long Định sẽ cùng một số địa phương có nghề dệt chiếu lác trên địa bàn Long An tập trung đầu tư phát triển diện tích vùng lác nguyên liệu; mở rộng thị trường xuất khẩu cho mặt hàng chiếu lác nhằm củng cố và duy trì nghề truyền thống ở địa phương.

Bên cạnh đó, các cấp các ngành liên quan cũng cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang mô hình hợp tác xã hoặc tổ hợp tác có quy mô đồng bộ; mở các lớp dạy nghề dệt chiếu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và bảo tồn các giá trị của làng nghề Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục