Lũ quét, sạt lở ở Bắc Bộ có thể xuất hiện nhiều hơn năm trước

Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết trong năm nay, tình hình thời tiết, thủy văn có diễn biến phức tạp; lũ quét, sạt lở đất ở Bắc Bộ có thể xảy ra nhiều hơn năm 2014.
Lũ quét, sạt lở ở Bắc Bộ có thể xuất hiện nhiều hơn năm trước ảnh 1Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)

Sáng 28/3, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai phối hợp với Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2014, triển khai nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2015 với các tỉnh, thành phố trên cả nước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng, Phó Trưởng ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai cho biết năm 2014, thiên tai xảy ra ít hơn cả về cường độ và số lượng so với trung bình nhiều năm.

Năm qua, có 5 cơn bão và 3 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó có 3 cơn bão (số 2, 3, 4) ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam nhưng mức độ ảnh hưởng không lớn; có khoảng 170 trận lốc sét, mưa đá; 30 trận lũ quét, sạt lở đất; 17 đợt nắng nóng; 25 đợt không khí lạnh; nhiều đợt triều cường lớn…

Thiên tai đã làm 133 người chết và mất tích, song không có người chết trong bão; 145 người bị thương; 1.985 nhà bị đổ, sập, trôi; 42.758 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; hơn 230.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu m3 đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp… Ước tổng thiệt hại khoảng 2.830 tỷ đồng.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định hỗ trợ địa phương, các bộ, ngành bị ảnh hưởng bởi thiên tai với tổng kinh phí là 1.538,9 tỷ đồng và 2.000 tấn gạo, 1.400 tấn lúa giống, 267 tấn ngô giống, 17,7 tấn hạt giống rau các loại.

Theo Phó Đô đốc Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam kiêm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, năm 2014 công tác tìm kiếm cứu nạn đã được thực hiện khá kịp thời, hiệu quả. Công tác thông báo, cảnh báo, kế hoạch sơ tán nhân dân khi có bão, lũ đã được triển khai kịp thời, quyết liệt, đồng bộ, góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng của nhân dân và nhà nước.

Nhiều nhiệm vụ hoàn thành khá tốt như công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển trong những cơn bão; lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi phía bắc. Đặc biệt là công tác chỉ đạo tổ chức tìm kiếm máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia và vụ cứu 12 công nhân bị mắc kẹt trong vụ sập đường hầm đang thi công thuộc công trình Đạ Dâng-Lâm Đồng.

Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương điều động trên 153.000 lượt người, hơn 5.000 lượt phương tiện các loại ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn.

Kết quả đã cứu được 3.879 người, 248 phương tiện; thông báo kêu gọi, hướng dẫn gần 351.000 phương tiện với hơn 1.466.000 ngư dân đang hoạt động trên biển về nơi tránh trú bão an toàn; các địa phương di dời gần 21.300 hộ ra khỏi vùng ngập lụt đến nơi an toàn…

Nhận định xu thế khí tượng thủy văn những tháng tới và mùa mưa, bão, lũ năm 2015, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết năm 2015, tình hình thời tiết, thủy văn sẽ có diễn biến phức tạp hơn so với năm 2014. Bão, áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông sẽ yếu hơn so với trung bình nhiều năm cả tần số và cường độ.

Dự báo sẽ có khoảng 9-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông (trung bình nhiều năm khoảng 12 cơn). Trong đó, khoảng 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền của Việt Nam.

Nắng nóng ở Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ xuất hiện nhiều hơn nhưng ít gay gắt, không kéo dài như năm 2014.

“Lũ quét, sạt lở đất ở Bắc Bộ có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với năm 2014. Các tỉnh có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Bắc Kạn. Tại Trung Bộ và Tây Nguyên cũng có khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất trên một số sông suối nhỏ vùng núi nhiều hơn năm 2014. Tình hình khô hạn, thiếu nước ở các tỉnh Nam Trung Bộ đến khoảng tháng 9/2015 mới dần được cải thiện; xâm nhập mặn sâu, độ mặn tăng cao và kéo dài từ tháng 3-5/2015 ở Nam Bộ,” ông Hoàng Đức Cường cảnh báo.

Các đại biểu cũng nêu lên những tồn tại, hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn như khi có lũ bão, một số địa phương, đặc biệt ở cấp huyện, xã triển khai còn chưa quyết liệt, vẫn còn trường hợp thiệt hại về người khi đi qua ngầm, vớt củi khi có lũ; công tác tổ chức chằng néo nhà cửa chưa hiệu quả; phương án phòng, chống thiên tai ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa sát thực tế; công tác chuẩn bị theo phương châm “4 tại chỗ,” đặc biệt là ở cấp huyện, xã chưa được quan tâm đúng mức.

Hệ thống thông tin liên lạc ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn chưa đảm bảo; kinh phí đầu tư cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai còn bị động; mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn còn thiếu.

Việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các Bộ, ngành, địa phương còn hạn chế...

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải biểu dương các Bộ, ngành, địa phương đạt được kết quả tích cực trong công tác ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong năm 2014.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, hiện tình hình khí tượng thủy văn đang có diễn biến hết sức phức tạp, các hiện tượng thiên tai bất thường có thể xảy ra. Do vậy, các Bộ, ngành, địa phương cần phải chủ động đối phó nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai bất thường gây ra. Đặc biệt tập trung vào công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phòng chống thiên tai, nhất là các hiện tượng thiên tai bất thường có thể xảy ra.

Các địa phương cần xây dựng các phương án phòng, chống thiên tai phù hợp; kiện toàn Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, trong đó chú trọng đến trách nhiệm của các thành viên tham gia.

Tiếp tục triển khai hiệu quả đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Phó Thủ tướng cho rằng, hiện công tác dự báo vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, xã hội hóa mạng lưới quan trắc chậm; tiến độ đầu tư cho các chương trình phòng chống thiên tai còn hạn chế; trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn yếu và thiếu. Do vậy, cần ưu tiên rà soát các nguồn vốn để tăng cường cho hoạt động, những dự án thiết yếu phòng chống thiên tai.

Trước tình hình hạn hán đang diễn ra gay gắt ở các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước, rà soát cung cầu nước tại từng địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp nhằm ứng phó với những tình huống ngày càng cực đoan của thời tiết.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhất trí với những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai năm 2015 như: cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định, Thông tư, đồng thời rà soát Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Tập trung chỉ đạo xây dựng, cập nhật bản đồ ngập lụt do nước biển dâng trong tình huống bão mạnh, siêu bão.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục