Luật Đất đai (sửa đổi) - đạo luật được dư luận, cử tri và đồng bào cả nước hết sức quan tâm, đã được Chủ tịch nước ký lệnh công bố có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Sự kiện này cũng đánh một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng, tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân cả nước đối với một đạo luật có tầm bao phủ rộng lớn đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Nhân dịp này, Phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) đã có cuộc phỏng vấn Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển về những điểm mới, cũng như lộ trình đưa Luật Đất đai sửa đổi đi vào cuộc sống.
Minh bạch việc bồi thường
- Luật Đất đai năm 2013 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, cho đến thời điểm này Tổng cục Quản lý đất đai nói riêng, Bộ Tài nguyên và Môi trường nói chung đã có kế hoạch cụ thể gì để đưa Luật đi vào cuộc sống thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Luật Đất đai 2013 được thông qua vào ngày 29/11/2013, tại kỳ hợp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu những đổi mới về chính sách đất đai nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Do vậy, để đảm bảo các điều kiện cho việc tổ chức thi hành Luật, tạo ra những chuyển biến rõ rệt về quản lý và sử dụng đất, đưa công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp, kỷ cương theo hướng hiện đại, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương triển khai các công việc cụ thể như: Tổ chức các Hội nghị trên ba miền để phổ biến các nội dung đổi mới về Luật Đất đai sửa đổi; giao cho nhà xuất bản bản đồ phát hành các cuốn sách về Luật Đất đai để làm cơ sở cho các địa phương tuyên truyền sâu rộng tới các cấp và người dân.
Ngoài ra, Bộ cũng đang xây dựng các Nghị định về Luật Đất đai, tổ chức các hội thảo để từng bước hoàn thiện các Nghị định và phấn đấu ngày 15/4 trình Chính phủ xem xét, ban hành kịp thời. Riêng các Thông tư luật giao sẽ ban hành trong tháng 6 năm 2014 nhằm tạo thành hành lang pháp lý đồng bộ, hiệu quả cho công tác quản lý.
- Xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới quan trọng trong Luật Đất đai sửa đổi về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Khác với những lần trước, lần này Quốc hội chỉ giao Chính phủ quy định những điều mà trong Luật Đất đai ghi rõ những điều cụ thể. Chính vì vậy, nội dung của Nghị định này tập trung vào các vấn đề chính như quy định cụ thể hơn về vấn đề bồi thường, cũng như hỗ trợ tái định cư.
Về vấn đề bồi thường, Luật lần này quy định những trường hợp và các hình thức được bồi thường về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, Luật quy định rõ ràng, tách bạch các trường hợp thu hồi đất được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư với các trường hợp thu hồi đất ở được bồi thường bằng tiền.
Trên cơ sở đó, Luật cũng bổ sung đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam bị thu hồi đất ở thì được bồi thường về đất ở như đối với hộ gia đình, cá nhân trong nước.
Về vấn đề hỗ trợ-tái định cư, Luật cũng quy định rõ hơn suất tái định cư tối thiểu, đối tượng nào được bồi thường bằng đất ở và đối tượng nào được bồi thường bằng tiền khi thu hồi đất. Cùng với đó, lần này Luật cũng quy định cụ thể, đầy đủ các hình thức hỗ trợ như ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm…
- So với Luật Đất đai trước đây, dự thảo quy định “phương pháp định giá đất, khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất” lần này có những điểm gì mới thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Thực tế thì Luật Đất đai sửa đổi lần này chúng ta kế thừa các quy định trước, nhưng được bổ sung chi tiết hơn. Theo đó, các phương pháp định giá đất, khung giá cũng đã được quy định chi tiết và phù hợp với đặc điểm từng loại đất như: Đất nông nghiệp, đất ở, đất sản xuất, và đất kinh doanh phi nông nghiệp.
Cùng với đó, Luật lần này cũng quy định nguyên tắc hoạt động tư vấn định giá đất, tiêu chuẩn định giá viên về giá đất; trong đó quy định về việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá đất nhằm bảo đảm nâng cao năng lực của định giá viên về giá đất, tổ chức có chức năng tư vấn giá đất.
“Luật đủ nhưng địa phương làm chưa tốt”
- Trước đây, việc thay đổi liên tục chính sách trong các vấn đề liên quan tới thu hồi đất, định giá đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư đã gây nhiều khó khăn khi áp dụng thực hiện trong thực tế. Vậy những điểm mới lần này sẽ giải quyết được những khó khăn, bất cập gì hiện nay?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Phải khẳng định vấn đề thu hồi đất, định giá đất, đền bù, hỗ trợ tái định cư luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm. Tuy nhiên, quá trình tổng kết thi hành Luật đất đai trong 10 năm qua cho thấy Luật quy định tương đối đầy đủ, nhưng quá trình thực hiện của chúng ta ở các địa phương thì chưa tốt.
Điển hình là nhiều địa phương lạm dụng trong thu hồi đất; việc lập và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư chưa được các cấp chính quyền quan tâm đúng mức, nhất là phương án giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất. Thậm chí, một số địa phương thiếu sự phối hợp chặt chẽ, cũng như chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân hiểu rõ quy định của pháp luật.
Chính vì thế, lần này Luật không phải tạo cái gì đó đột biến, mà từ những quy định cũ chúng ta có thể đưa ra quy định cụ thể hơn để tổ chức, thực hiện trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, Luật cũng đã cân nhắc, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư, sự giám sát của người dân trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Tôi cho rằng, Luật đất đai năm 2013 với những chế định kế thừa từ các quy định đã được thực tiễn chấp nhận và nhiều điểm đổi mới phù hợp, những hạn chế về công tác bồi thường trong thời gian qua sẽ được giải quyết.
- Có ý kiến cho rằng phạm vi các trường hợp được thu hồi đất trong Luật Đất đai 2013 còn quá rộng. Vậy dự thảo nghị định hướng dẫn thực thi Luật đến nay đã được cụ thể hóa như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Luật lần này quy định rất chặt chẽ và Chính phủ cũng không có hướng dẫn thêm được nữa. Hơn nữa, theo Hiến pháp thì những trường hợp Nhà nước thu hồi là theo luật định, cho nên những gì quy định trong luật mới được thu hồi và Chính phủ không có hướng dẫn gì thêm.
Tuy nhiên, đối với các dự án này thì ngoài việc danh mục dự án đã rõ, thẩm quyền quyết định cũng đã quy định trong Luật như: Dự án nào thuộc thẩm quyền Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Nhân dân các địa phương quyết định việc có thu hồi các dự án hay không. Rõ ràng, với cách làm như thế thì việc thu hồi đất sẽ chặt chẽ hơn so với các luật trước đây.
- Cũng có ý kiến cho rằng trong Luật Đất đai 2013 không có nhiều đổi mới về cơ chế thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, mặc dù thực tế còn nhiều vấn đề bức xúc. Vậy quan điểm của Thứ trưởng về vấn đề này thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển: Vấn đề cốt lõi vẫn là do chúng ta tổ chức thực hiện không tốt, còn chế độ chính sách mà chúng ta đã áp dụng trong thời gian vừa qua có thể nói đã đáp ứng được quyền lợi của người dân.
Chính vì vậy, Luật lần này chúng ta đã quy định một cách cụ thể, rõ ràng đối với từng đối tượng được bồi thường, được hỗ trợ. Với quy định như vậy, tôi tin việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được công khai, minh bạch và giảm khiếu kiện về đất đai.
Tuy nhiên, bồi thường và hỗ trợ tái định cư là vấn đề rất nhạy cảm, nên chúng ta cũng phải cân nhắc để không tạo ra những đột biến nhưng đồng thời cũng phải xử lý những cái còn thực sự vướng mắc. Và, trên cở sở lấy ý kiến từ các địa phương và người dân, Bộ sẽ xem xét để xử lý theo nghị định sẽ trình Chính phủ sắp tới.
- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.