Luật đầu tư nước ngoài mới của Cuba đã chính thức có hiệu lực vào ngày 28/6, trong một nỗ lực của quốc gia vùng Caribe nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn nước ngoài để phát triển kinh tế.
Luật đầu tư nước ngoài mới, được Quốc hội Cuba thông qua hồi tháng Ba vừa qua, là một trong số những cải cách kinh tế và chính trị do Chủ tịch Cuba Raul Castro chủ trương nhằm tăng cường hiệu quả, năng lực sản xuất để phát triển kinh tế.
Luật mới bao gồm nhiều điều khoản ưu đãi dành cho các nhà đầu tư nước ngoài như miễn thuế thu nhập trong những năm đầu hoạt động, cho phép nước ngoài đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế như du lịch, nông nghiệp, công nghệ sinh học, công nghệ cao...
Luật cũng quy định một khung pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư nước ngoài như đảm bảo không sung công tài sản của các công ty nước ngoài đầu tư vào Cuba, trừ trường hợp đó là những tài sản công hoặc phục vụ lợi ích xã hội, nhưng sẽ được đền bù thỏa đáng.
Luật đầu tư mới được cho là gắn kết chặt chẽ với kế hoạch xây dựng khu phát triển kinh tế mới Mariel, nơi có một cảng nước sâu và cảng container, vừa được khai trương một phần hồi tháng Một vừa qua.
Tổng giám đốc cơ quan quản lý khu kinh tế Mariel Maria Teresa Igraza cho biết cơ quan này đã nhận được 72 hồ sơ đăng ký đầu tư trực tiếp vào Mariel đến từ các quốc gia Tây Ban Nha, Italy, Brazil, Nga và Trung Quốc.
Hoạt động đầu tư chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp nhẹ, đóng gói, hóa chất, sắt thép, vật liệu xây dựng, dịch vụ hậu cần và dược phẩm.
Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cuba Marino Murillo, nền kinh tế Cuba cần đạt được mức tăng trưởng từ 5-7% trong những năm tới, và để đạt được mục tiêu đó thì cần phải có tỷ lệ đầu tư khoảng 20%.
Ngoài ra, mỗi năm Cuba cần khoảng 2-2,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để thúc đẩy mô hình kinh tế xã hội xã hội chủ nghĩa thịnh vượng và bền vững./.