Những báo cáo riêng lẻ của về ngân sách Nhà nước, về nợ công “đây đó” vẫn có nhưng bức tranh toàn cảnh về tài chính công thì từ trước tới nay vẫn chưa có báo cáo nào làm được.
Điều này, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, sẽ có nhiều đổi khác trong thời gian tới nếu dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kế toán được thông qua.
Thêm cơ sở để ra quyết sách
Đưa ra thông tin trên trong buổi họp báo diễn ra tại Hà Nội chiều nay (27/5), ông Đặng Thái Hùng, Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Bộ Tài chính nhấn mạnh, lần đầu tiên, trong Luật Kế toán sẽ đề cập tới “báo cáo tài chính Nhà nước.”
Sự bổ sung theo ông là quan trọng này xuất phát từ thực tế Luật Kế toán hiện mới chỉ đề cập tới kế toán trong từng đơn vị riêng lẻ như Kho bạc Nhà nước, các đơn vị thuế hay các đơn vị hành chính sự nghiệp,…
“Từng đơn vị này có tổ chức kế toán để lập báo cáo tài chính nhưng bức tranh toàn cảnh về tài chính công thì chưa có,” ông Hùng khẳng định.
Một bản báo cáo tài chính Nhà nước theo hình dung của ông Hùng phải thể hiện đầy đủ các chỉ tiêu về quản lý tài chính công như thu chi ngân sách, nợ công, tình hình tài sản công, các quỹ tài chính Nhà nước,… Những thông tin này phải được trình bày trong một bản báo cáo tài chính để trình Chính phủ và Quốc hội chứ không chỉ là những báo cáo riêng lẻ.
Quy trình này theo ông thực tế không xa lạ với nhiều nước và đã được không ít quốc gia phát triển thực hiện.
Thông tin thêm về ý kiến trên, ông Vũ Đức Chính, Vụ trưởng Vụ Kế toán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước dự tính, để thực hiện được việc này, báo cáo tài chính ở từng địa phương sẽ phải thể hiện đầy đủ về vấn đề ngân sách, tài sản, nguồn lực,… Qua đó, Bộ Tài chính sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính Nhà nước trên phạm vi toàn quốc.
“Qua đó, những cơ quan như Quốc hội, các bộ, ngành mới có thông tin đầy đủ hơn về tài chính Nhà nước và đưa ra quyết sách đầy đủ,” ông Vũ Đức Chính nói.
Bổ sung thêm hành vi cấm
Liên quan tới một mảng khác trong bức tranh kế toán, trong dự án mới được Bộ Tài chính trình Chính phủ, 4 hành vi cấm được cơ quan này bổ sung để phù hợp hơn với thực tiễn.
Một trong số này, ông Đặng Thái Hùng nhấn mạnh điều cấm với hành vi lập 2 sổ kế toán tài chính trở lên.
“Nhiều khi báo cáo Nhà nước thì sổ… giả vờ, sổ thật thì cho nội bộ, bây giờ hành vi này bị cấm và sẽ xử phạt,” ông Hùng nói.
Một hành vi khác được đại diện Bộ Tài chính nhắc tới trong danh sách bị cấm là cung cấp dịch vụ kế toán mà không đăng ký theo quy định của pháp luật. Vấn đề này được chính ông thừa nhận là “làm chui nhiều.”
“Có khi chính người quản lý thuế lại cung cấp dịch vụ kế toán, tức là giúp doanh nghiệp nắn theo ý mình,” ông Hùng thừa nhận.
Những hành vi trên theo ông đã được tổng hợp từ thực tế và theo ông là khá “đích đáng” bởi trước đây chưa bị cấm nên có tình trạng lợi dụng. Danh sách cấm mới này được lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá sẽ là cơ sở để bổ sung vào trong chế tài xử phạt hành chính hay thậm chí là hình sự.
Một điểm mới khác trong dự thảo được Vụ trưởng Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán đặc biệt nhắc tới là “không chỉ có tiền là mở được dịch vụ kế toán.” Trong dự án mới được đưa ra, người đại diện pháp luật, người làm thủ trưởng của doanh nghiệp dịch vụ kế toán cũng phải có chứng chỉ hành nghề kế toán.
Ngoài ra, theo đề xuất, doanh nghiệp dịch vụ kế toán cũng phải có ít nhất 3 kế toán viên hành nghề thay vì 2 kế toán viên như trong Luật Kế toán hiện hành.
Những thay đổi trên theo lãnh đạo Bộ Tài chính nhằm nâng cao điều kiện hoạt động của doanh nghiệp dịch vụ kế toán hướng đến mục tiêu làm cho quy mô doanh nghiệp đủ lớn, có điều kiện đầu tư công nghệ, kỹ thuật dịch vụ. Điều này, cũng theo lý giải của Bộ Tài chính, là nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, chất lượng dịch vụ cũng như giảm thiểu rủi ro nghề nghiệp./.
Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kế toán sửa đổi, bổ sung 24 điều so với 64 điều của Luật Kế toán năm 2013. Theo chương trình, dự án luật này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 và trình thông qua vào kỳ họp tháng 10 năm nay.