Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực soạn thảo Luật Nhà giáo để có thể trình Quốc hội vào năm 2024. Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chia sẻ với báo chí về những điểm chính khi xây dựng luật.
- Thưa ông, các vấn đề liên quan đến nhà giáo đã được quy định trong các luật như Luật Giáo dục, Luật giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp... Ông có thể cho biết vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo?
Ông Vũ Minh Đức: Quy định đối với đội ngũ nhà giáo rất nhiều, được các cơ quan ban hành ở nhiều thời điểm khác nhau nhưng có những bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện. Mặt khác, các văn bản quy phạm pháp luật về đội ngũ nhà giáo chủ yếu dành cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và quản lý như viên chức của các ngành nghề khác mà còn bỏ trống khoảng trống pháp lý đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập đang chiếm tỷ trọng trên 16% cũng như các nhà giáo có yếu tố nước ngoài.
Việc quản lý nhà giáo đang tiếp cận dưới góc độ quản lý hành chính mà chưa tiếp cận quản lý nhà giáo với tinh thần là quản trị nguồn nhân lực, coi nhà giáo là nhân vật trung tâm và mọi chính sách đều tập trung phát triển đội ngũ nhà giáo.
Vì vậy, Luật Nhà giáo được xây dựng trên quan điểm tiếp cận là kiến tạo một môi trường tốt nhất cho đội ngũ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp của họ.
Cũng chính vì có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhà giáo dẫn tới việc ban hành Luật Nhà giáo phải đảm bảo sự thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Đó là những thách thức lớn khi xây dựng Luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói gì về cải cách tiền lương cho giáo viên?
Bên cạnh đó, thời gian theo dự kiến Chính phủ giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng dự thảo Luật khá ngắn, dự kiến tháng 6/2024 đã phải trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất và sẽ được Quốc hội thảo luận và thống nhất thông qua tại kỳ họp thứ hai tháng 10/2024.
- Với cách tiếp cận theo hướng kiến tạo một môi trường tốt nhất cho đội ngũ nhà giáo, ông có thể cho biết những vấn đề trăn trở của đội ngũ nhà giáo hiện nay như tăng lương, phụ cấp, hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn…dự kiến sẽ được quy định như thế nào trong Luật Nhà giáo?
Ông Vũ Minh Đức: Trong Luật Nhà giáo, chúng tôi mong muốn thể chế hoá quan điểm của Đảng chỉ đạo: nhà giáo là yếu tố quan trọng của quá trình giáo dục; lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp.
Ngoài chính sách tiền lương có những chính sách phụ cấp, ưu đãi khác đối với nhà giáo để thu hút được người giỏi vào công tác trong ngành giáo dục và để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề và toàn tâm toàn ý đối với sự nghiệp giáo dục; có chính sách ưu đãi, tôn vinh phù hợp giúp họ sáng tạo và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Luật Nhà giáo cũng sẽ kế thừa các điểm ưu việt của chính sách hiện hành như chính sách ưu đãi trong các chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển đội ngũ nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Luật cũng thiết kế thêm những quy định để có thể phát triển đội ngũ nhà giáo là người dân tộc để họ yên tâm cống hiến cho quê hương, cho chính mảnh đất mà họ sinh ra và sẽ gắn bó với mảnh đất ấy cũng như tạo các điều kiện khác về điều kiện làm việc, đào tạo bồi dưỡng để giúp đội ngũ nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa theo kịp các nhà giáo đang công tác ở vùng thuận lợi.
- Cùng với việc tăng cường đảm bảo quyền lợi, Luật cũng sẽ có những quy chuẩn như thế nào đối với giáo viên, thưa ông?
Ông Vũ Minh Đức: Luật rất quan tâm đến việc định danh và quy định những tiêu chí, tiêu chuẩn, chức danh đối với nhà giáo, trong đó có tiêu chuẩn về đạo đức, tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ và những kỹ năng khác để phục vụ cho nhiệm vụ giáo dục và giảng dạy.
Thông qua việc ban hành và Luật hoá các quy định này thì nhà giáo sẽ được chuẩn hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo.
- Với thời gian xây dựng Luật khá ngắn như ông chia sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai những công việc gì trong thời gian tới để đẩy nhanh việc hoàn thành dự thảo Luật?
Ông Vũ Minh Đức: Ngay sau khi có Nghị quyết 95/NQ-CP của Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ đã khẩn trương thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập, chuẩn bị các điều kiện về vật chất, nguồn nhân lực… Đến nay, những công việc đầu tiên của quá trình xây dựng Luật Nhà giáo đã được tiến hành rất thuận lợi.
Số học sinh liên tục gia tăng, cả nước thiếu 127.583 giáo viên
Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện các nội dung của Luật, chúng tôi phải tranh thủ sự hỗ trợ của đội ngũ chuyên gia giáo dục, pháp luật giúp cho việc hoàn thiện dự thảo Luật để đảm bảo khi có Nghị quyết của Quốc hội chấp thuận đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 thì có thể kịp thời đăng nội dung này trên mạng xin ý kiến của toàn thể nhân dân, đánh giá tác động của các đối tượng chịu tác động của Luật này chính là đội ngũ nhà giáo.
Chúng tôi cũng tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu với các chuyên gia và các đối tượng chịu tác động về những nội dung dự kiến sẽ đưa vào trong Luật, nhất là những vấn đề phức tạp, khó khăn, còn có những ý kiến khác nhau, trên cơ sở đó hoàn thiện dự thảo Luật tốt nhất.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chuẩn bị về nguồn lực vật chất, kinh phí để việc xây dựng Luật được thuận lợi, cố gắng tranh thủ tối đa ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia cũng như kinh nghiệm quốc tế trong quá trình xây dựng Luật.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!./.