Tờ Jakarta Post đã có bài viết đánh giá về Luật Omnibus (đạo luật gồm nhiều nội dung khác nhau) của Indonesia.
Theo đó, hơn 90% đạo luật được thiết kế để kích thích đầu tư trong và ngoài nước bằng cách loại bỏ thói quan liêu kém hiệu quả và các quy định cấp phép quá mức, cũng như các quy định không rõ ràng, chồng chéo và mâu thuẫn vốn từ lâu cản trở khả năng cạnh tranh.
Hạ viện Indonesia đã được được thúc đẩy để thông qua dự luật Omnibus do những kết quả không mấy khả quan của gần 20 chương trình cải cách được triển khai từ năm 2015 đến năm 2019 tại nước này.
Các cải cách này phần lớn không hiệu quả và việc triển khai chúng bị cản trở bởi các quy định chồng chéo, sự xung đột với khoảng 80 điều luật khác cùng hàng nghìn quy định của Tổng thống và các quy định cấp Bộ.
Trong bối cảnh suy thoái, kinh tế Indonesia rất cần các khoản đầu tư khổng lồ ngay lúc này nhằm thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, qua đó giảm tình trạng đói nghèo và bất bình đẳng thu nhập.
Trong bối cảnh đó, Luật Omnibus hướng tới việc sửa đổi 79 điều luật và loại bỏ hàng nghìn quy định không thân thiện đối với kinh doanh và đầu tư.
Tuy nhiên, cần vài tháng nữa để chuẩn bị tất cả các quy định kỹ thuật cần thiết nhằm triển khai luật mới.
Điều cấp thiết nhất hiện nay là Chính phủ cần tập trung nguồn lực để hoàn thiện tất cả các nghị định hướng dẫn cũng như phổ biến chúng một cách công khai, đặc biệt là đối với các chính quyền địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và công đoàn.
Trong khi đó, vẫn có một số tổ chức công đoàn phản đối các quy định về lao động trong Luật Omnibus mới.
Tuy nhiên, tờ Jakarta Post cho rằng đây là điều khó hiểu vì về cơ bản chúng vẫn duy trì các quyền lao động được Luật Lao động năm 2003 bảo vệ.
Hơn nữa, ước tính chưa tới 30% trong tổng số 131 triệu lao động làm việc trong khu vực chính thức của Indonesia được bảo vệ bởi các quy định lao động.
70% còn lại vẫn mắc kẹt trong khu vực phi chính thức, do đó không đủ điều kiện để được bảo hộ lao động theo các quy định của pháp luật.
Hậu quả là các ngành công nghiệp thâm dụng lao động sẽ vẫn không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nếu các quy tắc lao động không được sửa đổi nhằm tăng khả năng cạnh tranh của lao động Indonesia so với các nước láng giềng Đông Nam Á khác.
Ở một quốc gia vốn không nổi tiếng về năng suất lao động như Indonesia, các quy định lao động quá cứng nhắc khiến việc chấm dứt hợp đồng đối với người làm công hầu như là không thể.
Điều này đã khiến vô số các nhà đầu tư tiềm năng quay lưng lại và khuyến khích các nhà tuyển dụng tránh tuyển thêm người mới, thay vào đó sử dụng các hợp đồng linh hoạt để thuê ngoài phần lớn công việc của họ.
Các quy định lao động cũ thiếu linh hoạt chắc chắn là một bất lợi lớn đối với người sử dụng lao động, bởi vì các công ty ngày nay đang phải đối mặt với bối cảnh kinh tế thay đổi với các tác động không giống nhau giữa các lĩnh vực kinh doanh.
Trong bối cảnh đó, các điều khoản sửa đổi của Luật Omnibus sẽ tạo ra sự linh hoạt trong việc ký kết hợp đồng và thuê lao động bên ngoài, giúp các công ty có thể thích ứng với thay đổi - điều chắc chắn duy nhất trong môi trường kinh doanh ngày nay bất chấp đại dịch COVID-19.
Mặc dù vậy, ngay cả khi không có các quy định lao động linh hoạt, lĩnh vực kinh doanh của Indonesia vẫn phải chịu những bất lợi lớn mang tính cố hữu như chi phí hậu cần cao do cơ sở hạ tầng kém, tình trạng quan liêu quá mức và lãi suất tín dụng cao.
[Indonesia - chủ nghĩa bảo hộ đang có dấu hiệu trở lại]
Chúng ta hoàn toàn ủng hộ nhu cầu của người lao động về một mức lương tối thiểu bắt buộc và mức lương này ít nhất phải đáp ứng mức chi phí sinh hoạt cơ bản để họ có cuộc sống tốt.
Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm là vì lợi ích công cộng và quốc gia.
Những điều này chỉ có thể đạt được nếu duy trì được sự ổn định của lĩnh vực công nghiệp và phân phối công bằng các thành quả kinh tế.
Lý do khiến chính phủ tham gia sâu vào thị trường lao động là vì một thị trường lao động tự do sẽ không bao giờ có lợi cho lợi ích của người lao động do tình trạng bất bình đẳng và các lợi ích thường đối lập giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Các chính sách lao động quá ưu đãi người lao động sẽ hạn chế đầu tư mới và thúc đẩy các công ty thuê lao động thời vụ.
Trong khi đó, người sử dụng lao động muốn có lợi nhuận, các công đoàn muốn trả lương tốt hơn và Chính phủ muốn một môi trường đầu tư thuận lợi.
Những yếu tố này không phải là một phần của trò chơi thắng thua mà là phụ thuộc lẫn nhau vì các công ty chỉ có thể duy trì được lợi nhuận nếu chăm sóc tốt cho người lao động và sự kết hợp giữa công ty và người lao động sẽ giúp tăng khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Do vậy, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm luôn song hành với các lợi ích chung.
Nếu các công đoàn tiếp tục tổ chức các cuộc đình công và biểu tình trên đường phố để thúc đẩy các yêu sách, đòi các mức lương cao hơn và các phúc lợi phúc lợi hào phóng hơn trong bối cảnh suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, hành động của họ sẽ hoàn toàn phản tác dụng.
Vấn đề là việc tăng lương sẽ không bền vững nếu lợi nhuận không tăng, dù năng suất tăng, cơ sở hạ tầng tốt hơn hay doanh số bán hàng cao hơn đi chăng nữa.
Ngoài ra, việc đổ lỗi rằng tốc độ tăng trưởng việc làm thấp trong khu vực chính thức là do các quy tắc lao động cứng nhắc cũng có thể làm sai lệch các quyết định chính sách ở cả khu vực phi chính thức và chính thức.
Chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng việc làm trong khu vực chính thức là các chính sách đầu tư, thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm và tạo điều kiện cho tái cơ cấu doanh nghiệp.
Hơn 90% các điều khoản trong Luật Omnibus hướng đến việc tạo việc làm được thiết kế phù hợp nhằm kích thích đầu tư tư nhân và kinh doanh.
Tuy nhiên, theo tờ Jakarta Post, Chính phủ Indonesia cũng nên nhận ra một thực tế rõ ràng rằng, trong khi phần lớn lực lượng lao động hiện đang làm việc ở khu vực nông thôn, thì chính khu vực này lại bị các nhà hoạch định chính sách “bỏ quên” từ lâu.
Không có gì ngạc nhiên khi khu vực nông thôn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và năng suất thấp nhất. Tình trạng này sẽ vẫn như vậy trừ khi chính phủ tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng nông thôn và mở rộng phạm vi chương trình khuyến nông./.