Israel, Indonesia tìm kiếm các biện pháp phục hồi kinh tế

Mặc dù chính phủ Israel đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa trong những tháng gần đây nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở trên 21%, với gần 882.000 người mất việc làm.
Israel, Indonesia tìm kiếm các biện pháp phục hồi kinh tế ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Tel Aviv, Israel, ngày 7/5/2020. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Israel, ngày 16/8, tờ Times of Israel dẫn nguồn từ Cục Thống kê trung ương nước này (CBS) cho biết vượt qua tất cả các dự báo trước đó về tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Israel sụt giảm tới 28,9% trong quý 2 so với quý trước đó. Đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua tại nước này.

Số liệu dự báo trên của CBS, có thể được điều chỉnh không đáng kể, được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo chính phủ sẽ bơm thêm hàng tỷ USD vào nền kinh tế để tạo việc làm và hỗ trợ các khách sạn. Số liệu của CBS cũng cho thấy GDP giảm 7,8% so với quý 2 năm 2019.

Tiêu dùng cá nhân giảm trên 43% do các biện pháp phong tỏa được áp dụng trong tháng 3 và 4, trong khi nhập khẩu giảm trên 41%. Truyền thông Israel đánh giá sự sụt giảm này đánh dấu mức suy thoái sâu nhất của nền kinh tế ít nhất kể từ năm 1975 và có thể là mức lớn nhất trong lịch sử.

Do áp dụng các biện pháp phong tỏa đất nước để kiềm chế dịch bệnh COVID-19 giữa tháng 3, nền kinh tế Israel đã chững lại. Tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh chóng từ mức khoảng 5% lên 26%, đến tháng 4 số người thất nghiệp đã vượt quá 1 triệu người.

Mặc dù chính phủ Israel đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa trong những tháng gần đây nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở trên 21%, với gần 882.000 người mất việc làm. 

Chính phủ Israel hiện vẫn chưa thông qua được ngân sách quốc gia do mâu thuẫn giữa Thủ tướng Benjamin Netanyahu, Chủ tịch đảng Likud, và Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz, Chủ tịch đảng Xanh-Trắng.

Theo thỏa thuận liên minh giữa Likud và Xanh-Trắng, chính phủ Israel sẽ thông qua ngân sách trong 2 năm là 2020 và 2021, nhưng gần đây ông Netanyahu được cho là yêu cầu chỉ thông qua ngân sách cho năm 2020, nhưng ông Gantz không chấp nhận.

Đầu tháng này, Bộ Tài chính Israel cho biết có thể mất tới 5 năm để nền kinh tế phục hồi hoàn toàn từ cú sốc do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Đến nay, Israel đã ghi nhận trên 92.000 ca nhiễm và 678 ca tử vong.

[Kinh tế Indonesia suy giảm lần đầu tiên trong 20 năm qua do COVID-19]

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, chính phủ Indonesia cho biết sẽ phân bổ 356.500 tỷ rupiah (tương đương 24,04 tỷ USD) cho các gói kích thích ứng phó với đại dịch COVID-19 vào năm tới nhằm tiếp tục hỗ trợ phục hồi kinh tế, cũng như tăng cường hệ thống chăm sóc y tế, bao gồm cả việc cung ứng vaccine ngừa COVID-19.

Trong Thông điệp quốc gia thường niên đọc trước Quốc hội ngày 14/8 vừa qua, Tổng thống Joko Widodo cũng cam kết sẽ tiếp tục kéo dài các gói kích thích của năm nay tới năm 2021, gồm các chương trình bảo trợ xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), đồng thời sẽ nới lỏng tài khóa nhằm hỗ trợ cho chương trình nghị sự của chính phủ.

Theo đó, chính phủ Indonesia sẽ giải ngân 25.400 tỷ rupiah trong năm tới cho hệ thống chăm sóc y tế, trong đó có kinh phí mua vaccine phòng chống COVID-19, hỗ trợ các phòng thí nghiệm và các cơ sở chăm sóc y tế.

Chính phủ cũng sẽ giải ngân 110.200 tỷ rupiah cho bảo trợ xã hội, trong đó có Chương trình Hy vọng Gia đình, hỗ trợ tiền mặt và chương trình thẻ lao động...

Ngoài ra, 136.700 tỷ rupiah sẽ được phân bổ cho các bộ và chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy du lịch, đảm bảo an ninh lương thực, phát triển các khu công nghiệp, công nghệ thông tin và truyền thông, cũng như cấp các khoản vay. 

Khoảng 48.800 tỷ rupiah đang được giải ngân cho các MSME, 14.900 tỷ cho các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước, và 20.400 tỷ khác cho các chương trình ưu đãi thuế. 

Indonesia đã quyết định chi 695.200 tỷ rupiah cho các gói kích thích trong năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang lâm vào suy thoái và ứng phó với các tác động của đại dịch, trong đó có khoản thâm hụt ngân sách nhà nước dự kiến lên tới 6,34% GDP.

Đối với năm 2021, chính phủ Indonesia dự kiến thâm hụt ngân sách sẽ lên tới 971.200 tỷ rupiah, tương đương với 5,5% GDP, do nhu cầu tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế và cung cấp các chương trình bảo trợ xã hội và y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.