Chính phủ Indonesia hỗ trợ tiền mặt cho 13,8 triệu lao động

Chính phủ Indonesia sẽ chuyển tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của 13,8 triệu lao động trong 4 tháng tới, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và phục hồi nền kinh tế.
Chính phủ Indonesia hỗ trợ tiền mặt cho 13,8 triệu lao động ảnh 1Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 14/4/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo một quan chức Indonesia, chính phủ nước này sẽ chuyển tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của 13,8 triệu lao động trong 4 tháng tới, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng và phục hồi nền kinh tế.

Ngày 6/8, người đứng đầu Ủy ban Xử lý dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia, ông Erick Thohir, cho biết các lao động có thu nhập hàng tháng dưới 5 triệu rupiah (345 USD) sẽ được chính phủ hỗ trợ 600.000 rupiah (41 USD) mỗi tháng trong vòng 4 tháng.

Trong một tuyên bố, ông Erick - người hiện đang giữ chức Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước (SOE) - cho biết chương trình kích thích này đang được Bộ Nhân lực hoàn tất để có thể triển khai thực hiện vào tháng Chín tới.

[Indonesia phê duyệt gói kích thích 10 tỷ USD cho các công ty nhà nước]

Theo ông Erick, trọng tâm của chương trình hỗ trợ này là 13,8 triệu lao động đang làm việc tại các công ty tư nhân hoặc các SOE, và tích cực đóng phí bảo hiểm hàng tháng cho Cơ quan an sinh xã hội BPJS Ketenagakerjaan.

Bộ trưởng Erick cũng cho hay khoản hỗ trợ 600.000 rupiah mỗi tháng trong vòng 4 tháng sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của từng đối tượng thụ hưởng hai tháng một lần nhằm tránh bị lạm dụng.

Trước đó, hôm 5/8, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati tiết lộ Chính phủ Indonesia có thể phải chi tới 31,2 nghìn tỷ rupiah (khoảng 2,15 tỷ USD) cho chương trình hỗ trợ tiền mặt trực tiếp này.

Trong quý 2 năm 2020, kinh tế Indonesia đã giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng trưởng 2,9% trong quý 1, trong bối cảnh các hoạt động kinh tế bị đình trệ do ảnh hưởng của các biện pháp phong tỏa được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Chi tiêu hộ gia đình - vốn chiếm 58% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia - cũng giảm 5,5% trong quý 2, trái với mức tăng 2,8% trong quý trước đó.

Bộ trưởng Erick cho biết Chính phủ Indonesia hiện đang tập trung giải ngân các gói kích thích, như trợ giúp xã hội bằng tiền mặt, hỗ trợ lương thực, chương trình “Hy vọng Gia đình,” và cấp tín dụng cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.