Lực lượng hải-không quân năm nước bắt đầu cuộc tập trận chung Medusa 13

Cuộc tập trận - với sự tham gia của lực lượng Hy Lạp, Ai Cập, Pháp, Cộng hòa Cyprus và Saudi Arabia - diễn ra trên đảo Crete của Hy Lạp và tại các khu vực hoạt động quan trọng ở Địa Trung Hải.

Lực lượng Hải quân Saudi Arabia tham gia cuộc tập trận Medusa 13 tại Hy Lạp. (Nguồn: Leaders)
Lực lượng Hải quân Saudi Arabia tham gia cuộc tập trận Medusa 13 tại Hy Lạp. (Nguồn: Leaders)

Hãng thông tấn SPA của Saudi Arabia ngày 13/10 đưa tin các lực lượng hải quân và không quân của Hy Lạp, Ai Cập, Pháp, Cộng hòa Cyprus cùng với Saudi Arabia, đã bắt đầu cuộc tập trận chung mang tên Medusa 13 được tổ chức tại Hy Lạp.

Theo chỉ huy hải quân Saudi Arabia, Đại tá Fahd Al-Humaidi Al-Otaibi, cuộc tập trận này được thiết kế nhằm tăng cường hợp tác quân sự quốc tế và thúc đẩy hợp tác an ninh chung giữa các nước tham gia.

Trọng tâm của cuộc tập trận Medusa 13 là thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu chung sử dụng vũ khí hiện đại, phối hợp giữa các đơn vị khác nhau để chống lại các mối đe dọa hàng hải phi truyền thống và trao đổi chuyên môn trong việc bảo vệ các khu vực hoạt động khỏi nhiều mối nguy hiểm khác nhau.

Cuộc tập trận sẽ kéo dài vài ngày, diễn ra trên đảo Crete của Hy Lạp và tại các khu vực hoạt động quan trọng ở Địa Trung Hải.

Medusa 13 sẽ bao gồm các hoạt động quân sự, hoạt động thông tin, tấn công đổ bộ và kịch bản sơ tán dân thường, làm nổi bật tính toàn diện của hoạt động huấn luyện này.

Cuộc tập trận chung dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào việc nâng cao năng lực hải quân và không quân cho tất cả các quốc gia tham gia, đồng thời thúc đẩy an ninh khu vực.

Theo Ban Tổ chức, các nước tham gia cuộc tập trận Medusa 13 đã cử các binh sỹ thuộc những đơn vị của lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến, cùng nhiều máy bay và tàu chiến tham dự hoạt động huấn luyện chung này.

Trước đó, cuộc tập trận Medusa 12 đã được tổ chức vào tháng 11/2012 với sự góp mặt của quân đội các nước bao gồm Hy Lạp, Cộng hòa Cyprus, Saudi Arabia, Ai Cập và Mỹ, trong khi đại diện của Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Jordan, Đức, Pháp, Romania, Congo và Maroc đóng vai trò quan sát viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.