Trong thông báo mới nhất ngày 22/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan cho biết Lực lượng Bảo vệ người Kurd (YPG) mà Ankara liệt vào tổ chức khủng bố vẫn đang rút khỏi các khu vực mà Thổ Nhĩ Kỳ muốn thiết lập một vùng an toàn chạy dọc biên giới.
Trả lời báo giới tại sân bay Ankara trước khi lên đường sang Nga để thảo luận với Tổng thống Vladimir Putin về tình hình Syria, Tổng thống Erdogan xác nhận đã có khoảng 700-800 thành viên của YPG rút khỏi khu vực mà ông muốn thiết lập vùng an toàn, chạy từ Jarabulus ở Đông Bắc Syria tới khu vực biên giới giáp với Iraq.
Ông cho biết thêm còn khoảng 1.200-1.300 thành viên khác được thông báo sẽ tiếp tục rút khỏi khu vực này.
Tuy nhiên, Tổng thống Erdogan một lần nữa nhắc lại đe dọa trước đó rằng Ankara sẽ tiếp tục các chiến dịch quân sự nếu YPG không rút hoàn toàn khỏi khu vực này trong thời hạn của lệnh ngừng bắn 120 giờ đồng hồ mà nước này đã đạt được với Mỹ hôm 17/10 vừa qua.
Dự kiến, lệnh ngừng bắn này sẽ hết hiệu lực vào lúc 19 giờ - giờ GMT (2 giờ sáng 23/10 giờ Việt Nam).
Cũng trong tuyên bố này, Tổng thống Erdogan bác bỏ lời kêu gọi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gia hạn lệnh ngừng bắn.
[Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục chiến dịch ở Syria nếu lệnh ngừng bắn bị phá vỡ]
Theo kế hoạch, Tổng thống Erdogan sẽ gặp người đồng cấp Nga tại Sochi để thảo luận về kế hoạch thiết lập vùng an toàn tại Syria mà trước đó ông cho rằng Moskva cần có vai trò lãnh đạo trong tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này.
Đề cập đến cuộc gặp dự kiến với lãnh đạo Anh và Pháp, Tổng thống Erdogan cho biết các cuộc gặp này có thể diễn ra trước hoặc sau Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3-4/12 tại London của Anh.
Trong diễn biến liên quan, ngày 22/10, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đề xuất thiết lập một vùng an ninh do quốc tế kiểm soát ở Syria.
Phát biểu với hãng tin DPA của Đức, Bộ trưởng Karrenbauer cho rằng "việc lập một vùng an ninh do quốc tế kiểm soát, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga," là nhằm mục tiêu giảm leo thang căng thẳng ở miền Bắc Syria.
Theo quan chức này, Quốc hội Đức sẽ cần quyết định xem binh sỹ Đức có khả năng tham gia sứ mệnh kiểm soát một vùng như vậy hay không. Bà cũng nói với đài Deutsche Welle rằng Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được thông báo về đề xuất trên.
Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã chỉ trích chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào lực lượng người Kurd ở miền Bắc Syria, kêu gọi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rút binh sỹ khỏi khu vực này.
Phát biểu với các nghị sỹ EU ở Strasbourg của Pháp, Chủ tịch Tusk nhấn mạnh, Thổ Nhĩ Kỳ, nước xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), "cần chấm dứt vĩnh viễn hành động quân sự của họ, rút các lực lượng và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế"./.