Lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam xếp thứ 6 toàn cầu

Theo công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google, lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu.
Khách du lịch tàu biển quốc tế nhập cảnh tại bến Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long. (Ảnh: TTXVN phát)

Thông tin Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho thấy: Năm 2023 là một năm phục hồi mạnh mẽ của du lịch nước ta.

Theo công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google, lượng tìm kiếm của du khách quốc tế về du lịch Việt Nam năm 2023 đạt mức tăng trưởng trên 75%, xếp thứ 6 toàn cầu; trên Thái Lan (10), Indonesia (11), Malaysia (12) và Philippines (14).

Tốp 10 thị trường tìm kiếm nhiều nhất về du lịch Việt Nam có: Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Đức, Malaysia và Thái Lan.

Các điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất, ngoài 2 Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, còn 2 điểm đến du lịch biển nổi tiếng là Đà Nẵng, Phú Quốc. Tiếp theo là Hội An, Nha Trang, Đà Lạt, Huế và Phan Thiết.

Các hãng truyền thông, tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế nhiều lần vinh danh nhiều điểm đến hấp dẫn của nước ta, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tươi đẹp ra khắp thế giới.

Trong số đó, Vịnh Hạ Long là điểm đến ngắm bình minh và hoàng hôn ngoạn mục nhất (Travel+Leisure); Hà Nội là điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á (The Travel, Canada); Hà Giang là một trong 52 điểm đến tuyệt vời dành cho du khách trong năm 2023 (The New York Times, Mỹ); Việt Nam là điểm đến tuyệt vời dành cho kỳ nghỉ gia đình (The New Zealand Herald); Ninh Bình là một trong những điểm đến tuyệt vời nhất năm 2023 (Forbes); Bánh mỳ Việt Nam vào hàng ngon nhất thế giới (CNN Travel); Sapa là một trong những thị trấn nhỏ đẹp nhất thế giới (Condé Nast Traveler); Cơm tấm của Việt Nam trong top 10 những món ăn từ gạo ngon nhất (TasteAtlas)...

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhận định: Năm 2024, ngành du lịch toàn cầu vẫn phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức.

Ở trong nước, tình hình kinh tế-xã hội ổn định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, lạm phát được kiềm chế nhưng vẫn còn đó những khó khăn, thách thức do tác động từ thị trường quốc tế.

Nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu; thiên tai, bão lũ, tác động từ biến đổi khí hậu... tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Theo dự báo của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), hoạt động du lịch quốc tế sẽ phục hồi hoàn toàn vào cuối năm 2024, ngang bằng với năm 2019.

Nhưng mức độ phục hồi không đồng đều ở các khu vực. Nhu cầu của du khách quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo.

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam được dự báo sẽ đạt ngang bằng với năm 2019. Khách nội địa tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại.

Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số sẽ thúc đẩy hình thành các cách thức du lịch mới; quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ngày một rõ nét.

Năm 2024, ngành du lịch phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa (trong đó có khoảng 72,5 triệu lượt khách có lưu trú). Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục