Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có'

“Việt Nam cho chúng tôi cảm giác ấm cúng như ở quê nhà, người dân rất thương yêu đùm bọc học sinh Lào, chỉ có ở Việt Nam mới dành cho Lào tình cảm như thế", là cảm nhận của các lưu học sinh Lào.
Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 1Một lớp học sinh Lào tại Tân Yên, Bắc Giang năm 1962. (Nguồn: Tư liệu trường Hữu nghị T78)

 Trong trái tim những học sinh Lào sang học tập tại Việt Nam, dù là từ những năm gian khổ của thế kỷ trước cho đến hiện nay, đất nước Việt Nam cũng thiêng liêng như đất mẹ Lào.

Trải qua những năm tháng gắn bó, nhiều gia đình Việt Nam đã trở thành bố mẹ, anh em của những lưu học sinh Lào, với những tiếng gọi “bố, mẹ-con” thân thương và trìu mến.

Đồng chí Saysonphone Phomvihane, cựu học sinh trường T78 nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch mặt trận Lào xây dựng đất nước từng tâm sự: "Khi nhìn lại quá khứ về trường học phổ thông, nơi mà đã cho mình trú ngụ học hành, cho mình những kiến thức cơ bản nhất của một cuộc đời, không ai mà chẳng xúc động khi nghĩ tới mái trường phổ thông xưa đó, trường Hữu nghị miền núi Trung ương Lào-Việt Nam…"

Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 2Lưu học sinh Lào tại Thái Nguyên năm 1960. (Nguồn: Tư liệu trường Hữu nghị T78)


Chia sẻ ngọt bùi trong chiến tranh gian khổ

Năm 1955, ngay sau khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hòa bình được lập lại ở Đông Dương; nước bạn Lào đã gửi 150 cán bộ, chiến sỹ và một số thanh thiếu niên đầu tiên sang Việt Nam học tập. Huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đã được chọn là nơi đầu tiên đón nhận các lưu học sinh Lào sang học tập văn hóa, tập trung tại trường Văn hóa Quân đội “T399”.  

Cuối năm 1958, Ban Bí thư Trung ương giao cho Ban công tác miền Tây – CP31 xúc tiến thành lập Khu học xá miền núi Trung ương và tìm địa điểm thích hợp để xây dựng trường.


Do nhu cầu đưa người sang học tập ở Việt Nam của Cách mạng Lào ngày càng gia tăng, “T399” tách thành các phân hiệu. Năm 1958, trên cơ sở 2 phân hiệu của “T399”, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định thành lập “Khu học xá miền Núi Trung ương” dành cho lưu học sinh Lào (nay là Trường Hữu nghị T78).

[Ký ức khó phai về cô giáo tiếng Việt của cựu học sinh Lào]

Thời gian đầu, do Việt Nam vừa kháng chiến chống Pháp, mới bắt đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cơ sở vật chất còn nghèo nàn. Cũng như các học sinh Việt Nam thời bấy giờ, các lưu học sinh Lào cùng học tập trong những lớp học tạm bợ, sơ sài ghép bằng vách nứa, mái cọ. Để đảm bảo an toàn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, thầy cô và các học trò Lào cũng phải đào hầm, hào và học tập trong những căn hầm tránh bom đó.

Do ban đầu thiếu thốn chưa thể hoàn thiện hệ thống ký túc xá và cũng để bù đắp thiếu hụt tình cảm gia đình, những lưu học sinh Lào được đưa về ở nhà dân, nhiều người được gia đình người Việt Nam tại xóm, làng nơi học tập nhận làm con nuôi.

Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 3Lưu học sinh Lào trong giờ tăng gia. (Nguồn: Tư liệu trường Hữu nghị T78)

Những lúc chiến tranh ác liệt, “Ở đâu cũng phải đào hầm hào; đắp lũy, đào đắp công sự”...Chấp nhận cuộc sống gian nan, vất vả thiếu thốn, “di chuyển, tiếp nhận, tiếp quản, xây dựng rồi bàn giao”.  Cơ sở vật chất tạm bợ “tranh, tre, nứa lá”. Lớp học nền đất, tường vách nứa, mái cọ; bàn ghế là bương tre; đình, đền, chùa cũng làm lớp học. Lớp học “hạ thổ”, đắp lũy, công sự, giao thông hào và hầm chữ A bao quanh.  Thầy trò phải đào hầm, hào, vào rừng chặt tre nứa làm lán, bị muỗi, vắt cắn chảy máu; đời sống thiếu thốn, gian khổ nhiều bề, thầy Nguyễn Toàn Nghĩa, Hiệu trưởng trường T78, cho biết về điều kiện học hành của trường thời bấy giờ.

Sang những năm 60, một số trường đại học của Việt Nam như Đại học Bách Khoa, Đại học Tổng hợp…. cũng tiếp nhận sinh viên Lào sang học hàng năm. Những lưu học sinh này được bố trí trong các khu ký túc xá với điều kiện tốt nhất mà Việt Nam có lúc bấy giờ. Thầy và trò Việt Nam-Lào vẫn cùng học tập, sơ tán tránh bom đạn . Khó khăn, gian khổ nhưng dưới sự che chở của nhân dân các địa phương, lưu học sinh Lào đã được bảo vệ an toàn tuyệt đối. Những lưu học sinh Lào ngày ấy đã được tôi luyện và cũng chính là những người xây dựng nên nền móng vững chắc cho tình hữu nghị Việt-Lào.

Từ năm 1965 đến năm 1975, cả hai nước Việt Nam và Lào đều bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ gay go, quyết liệt, đặc biệt năm 1969, Mỹ và nguỵ Lào đánh chiếm vùng giải phóng Xiêng Khoảng, theo yêu cầu của cách mạng Lào, Việt Nam đã khẩn trương mở thêm 4 trường phổ thông miền núi để đào tạo trên 4.000 học sinh phổ thông cấp I, II của Lào chuyển từ vùng giải phóng Lào sang. Các trường phổ thông này với những tên gọi như trường T1 (Vĩnh Phú), T2 (Hà Bắc), T3 và T4 (Thanh Hóa), trường Bổ túc văn hóa miền núi Trung ương  (nay là T78) là những địa chỉ tin cậy trong việc chăm sóc, giáo dục và đào tạo cho con em các bộ tộc Lào.

Đối tượng học sinh giai đoạn này cũng thuộc những độ tuổi rất khác nhau, có người là cán bộ đi học, có người mới chỉ là trẻ con 4-5 tuổi, học nói Tiếng Việt còn trước cả khi nói sõi tiếng Lào. Các thầy cô giáo vừa giảng dạy, vừa chăm sóc học sinh không khác gì chăm con của chính mình.

Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 4Học sinh Lào học tại Văn Lương, Vĩnh Phú năm 1967. (Nguồn: Tư liệu trường Hữu nghị T78)

 Từ những ngôi trường này, nhiều thanh, thiếu niên con em của nhân dân các bộ tộc Lào đã trưởng thành và đến nay đã trở thành đội ngũ trí thức mới của Lào, trong đó có nhiều người đang nắm giữ trọng trách trong bộ máy Đảng và Nhà nước Lào.

“Tôi nhớ tất cả những lúc vui, buồn trong những năm tháng khó khăn, nhọc nhằn của thời kỳ đang còn chiến tranh, trong sân trường, lớp học – kể cả lớp học đang được tô trát bằng đất – rơm – tre nứa với nhiều chiếc đèn dầu đom đóm, trong cánh đồng lúa của dân làng nơi sơ tán …nó cứ cuồn cuộn vào nhau, chan hòa giữa thầy trò Lào – Việt, đám học sinh với nhau ở giữa lòng nhân dân Việt Nam trong thời đó mà vẫn ấm lòng, vẫn bồi hồi nhung nhớ…,” đồng chí Saysonphone Phomvihane hồi tưởng lại.

Dành mọi ưu tiên và tình cảm cho các lưu học sinh Lào

Sau năm 1975, bước vào giai đoạn mới, yêu cầu đào tạo cán bộ của Lào được đặt ra hết sức cấp thiết. Thực hiện Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác toàn diện (18/7/1977), Việt Nam đã tiếp nhận 35.000 cán bộ, học sinh, sinh viên Lào sang nghiên cứu và học tập.

Bước vào những năm đầu đổi mới (1986-1990), Việt Nam tiếp tục giúp Lào đào tạo 537 cử nhân của các ngành và 252 lưu học sinh trung học chuyên nghiệp. Cũng trong thời gian này, Việt Nam và Lào thống nhất không gửi lưu học sinh, hạn chế và tiến tới không gửi đào tạo trung học chuyên nghiệp sang Việt Nam mà yêu cầu Việt Nam tăng cường đào tạo giúp Lào bậc sau đại học.

Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 5Tổ chức Tết cổ truyền Bunpimày cho lưu học sinh năm 1980. (Nguồn: Tư liệu trường Hữu nghị T78)

Từ năm 1996, số học sinh Lào được tiếp nhận mới hàng năm ở bậc đại học từ 350 lên 550 người.

Các trường đại học Việt Nam đã xây dựng khu ký túc xá dành riêng cho lưu học sinh Lào và Campuchia, với phương châm luôn ưu tiên đảm bảo chất lượng ăn ở học tập cho học sinh nước bạn. Không chỉ đảm bảo ăn ở, các lưu học sinh được tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động văn hóa-thể thao, chăm sóc y tế.

“Tôi còn nhớ mãi những bữa cơm trưa ​'2 không​' của thầy cô giáo: không gạo, không thức ăn. Bữa ăn của thầy cô chỉ vỏn vẹn những củ ngô, khoai, sắn thi thoảng may mắn hơn có bữa cơm độn trong khi học sinh Lào vẫn có cơm ăn no đủ. Thế nhưng không khi nào thấy thầy cô than vãn mệt mỏi, hàng ngày vẫn nhiệt tình đứng lớp, say mê với công việc giảng dạy, ” ông Khamphanh Souvannakha nhớ lại thời gian theo học cấp 3 tại trường Phổ thông Miền núi số 1 Vĩnh Phú những năm 1978-1980.

Chính sự nhiệt tình, chân thành của thầy cô, người dân Việt Nam như trên đã là động lực thu hút và động viên các học sinh Lào.

Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 6Phút giây gặp lại các thầy cô giáo cũ của cựu học sinh Lào, năm 2012. (Ảnh: Quý Trung/TTXVN)

 “Việt Nam cho chúng tôi cảm giác ấm cúng như ở quê nhà, người dân Việt Nam rất thương yêu đùm bọc các học sinh Lào, giúp chúng tôi không có cảm giác cô đơn, buồn bã khi xa nhà mà gần gũi như đang trong chính gia đình mình,” “Chỉ có ở Việt Nam mới dành cho Lào tình cảm như thế” là suy nghĩ của các học sinh, sinh viên Lào học tập tại Việt Nam.

Nhiều gia đình Lào có tới hai, ba thế hệ cùng sang học tại Việt Nam. Thế hệ đi trước sang học tập trở về nước,  rồi lại tin tưởng gửi tiếp những người em, người con, người cháu sang “nhờ các thầy cô Việt Nam rèn giũa.”

Thầy Nguyễn Toàn Nghĩa, Hiệu trưởng trường Hữu nghị T78 nhớ lại: “Có một lần, một học sinh của trường lên phòng tôi, đang trò chuyện và ngắm những bức ảnh về lịch sử của trường, tự dưng cậu ấy bật khóc. Tôi hỏi thì cậu nói ‘em cũng biết bố em (là liệt sỹ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ của Lào) đã từng học ở Việt Nam nhưng nay nhìn ảnh em mới biết em lại có may mắn học cùng một ngôi trường với bố.’ Và món quà quý khi cậu học sinh rời trường chính là bức ảnh của người bố tại trường T78.”

Tuy số lượng học sinh Lào sang học có giảm trong những năm 90 của thế kỷ trước do nhiều điều kiện về kinh tế xã hội nhưng từ năm 1999 đến nay, số lưu học sinh Lào du học tại Việt Nam đã tăng trở lại và tiến tới ổn định.

Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 7Lưu học sinh Lào giao lưu với sinh viên Việt Nam trong giờ ngoại khoá tại Đại học Tây Bắc. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

 Lưu học sinh Lào cũng ngày càng hòa nhập với cuộc sống ở Việt Nam. Nếu ban đầu là quanh quẩn sinh hoạt trong khu ký túc xá của lưu học sinh, giờ đây các lưu học sinh Lào đã tham gia vào hầu hết các hoạt động của sinh viên Việt Nam.

Tại trường dự bị tiếng Việt như trường Hữu nghị T78, với mô hình homestay, học sinh Lào được ở ngay trong nhà dân, cùng ăn ngủ và lao động, làm việc ở các trang trại, xuống đồng xuống vườn trồng cây với người dân, học phong tục tập quán và cả thành ngữ-tục ngữ Việt Nam.

“Các bạn học sinh Lào rất tuân thủ kỷ luật và cũng sống rất tình cảm” là nhận xét của các thầy cô giáo phụ trách quản lý và giảng dạy. Một cán bộ phụ trách quản lý lưu học sinh cho hay các bạn sống cũng rất hòa đồng với người dân, bạn học, luôn gọi người dân xung quanh là bố mẹ và sẵn sàng chia sẻ vui buồn, thậm chí có bạn còn mời cả gia đình chủ hộ nơi mình ở sang Lào để làm quen với gia đình và đất nước Lào.

“Có bạn tối học về muộn, chủ gia đình còn đứng chờ ở cổng trường để đưa đón. Dù đã kết thúc chương trình học ở nhà dân, về lại trường nhưng chủ hộ đến dịp lễ tết còn đến trường xin hiệu trưởng cho bạn về tham dự,”, cán bộ này cho biết.

Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 8Tổ chức tết cổ truyền cho du học sinh Lào ​tại Điện Biên, lễ khấn cầu năm mới tốt lành, may mắn cho mọi người. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)

Ở các trường đại học, ngoài giờ học, các bạn cũng tham gia đội bóng, văn nghệ với sinh viên Việt, cùng nhau đi khám phá ẩm thực địa phương. “Các bạn trong lớp rủ mình về quê các bạn là mình đi theo ngay, cả Phú Thọ, Bắc Ninh, Quảng Ninh… mình đều đi hết. Hết giờ học các bạn cũng rủ mình về nhà, giới thiệu món ăn, rồi đi ăn các món như bún chả, bún thang, chè, cà phê Hà Nội. Vui lắm…” anh Houmphaeng Vilayphone, một cựu sinh viên Lào tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhớ lại.

Theo phó ​giáo sư, ​tiến sỹ Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội, vào những lễ tết hay quốc khánh, sinh viên Lào thường tổ chức các giải thể thao thì nhà trường cũng hỗ trợ cho các bạn xe cộ đưa đón, cho mượn sân vận động. Nhà trường cũng  thường xuyên mời các bạn Lào tới tham dự các giải thể thao của trường  để các bạn hòa đồng hơn.

Trong các dịp lễ, tết Lào và Việt Nam, nhà trường cũng tổ chức các hoạt động đón Tết để các bạn cảm nhận được tình cảm của thầy cô cũng như người dân Việt Nam. ​

Lễ té nước, Lễ buộc chỉ cổ tay, Tết Bunpimày, hay các món ăn như phở Lào, bò khô Lào... đã trở nên quen thuộc với thế hệ trẻ của Việt Nam qua những hoạt động của những sinh viên Lào.

Về học tập, thầy Hải cho hay, do giáo trình đào tạo ở Bách Khoa khá nặng cũng như nhiều từ chuyên ngành, chương trình phổ thông (các môn Toán, Lý, Hóa) ở Lào cũng “nhẹ” hơn so với ở Việt Nam nên các bạn sinh viên Lào gặp khá nhiều khó khăn trong năm đầu tiên.

Để giúp các bạn trong một số môn học khó, nhà trường thường chủ động liên hệ với các thầy cô để dạy riêng cho các bạn cũng như bổ sung thêm tiết học để giúp các bạn tiếp thu sâu hơn. Sinh viên trong trường rất quý và thường xuyên giúp đỡ các bạn Lào.

Những điều này cũng diễn ra tương tự ở các trường đại học khác của Việt Nam, dù số lượng sinh viên Lào sang học mỗi năm ở các trường chỉ khoảng 20-30 sinh viên. Tiến sỹ Vũ Thanh Vân, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết trường bắt đầu nhận học sinh Lào từ năm 1992 đến nay, và lưu học sinh Lào được đối xử bình đẳng và tham gia vào tất cả các hoạt động học tập, sinh hoạt tại nhà trường.

Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 9Các bạn sinh viên Việt Nam và Lào cùng buộc chỉ cổ tay và chúc phúc cho nhau. (Ảnh: Nguyễn Chiến/TTXVN)

Từ năm 2016 Học viện cũng chú trọng hơn đến việc truyền thông và tư vấn tuyển sinh tại Lào nhằm thu hút người học. Học viện đã cử cán bộ đào tạo và hợp tác quốc tế sang giới thiệu các chương trình đào tạo tại Lào. Thông qua các đối tác và các cựu lưu học sinh, Học viện cũng hỗ trợ người học lựa chọn chương trình đào tạo phù hợp.

Thầy Nguyễn Toàn Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Hữu nghị T78 – ngôi trường phụ trách đào tạo dự bị Tiếng Việt cho các học sinh Lào trước khi chuyển giao tới các trường đại học – cho biết nếu trong thời kỳ từ 1999-2010, các sinh viên Lào chủ yếu chọn học các trường đại học về kinh tế, thương mại, tài chính, ngoại giao thì nay đã có sự thay đổi.

Trong 5 năm trở lại đây, khá nhiều học sinh đã chuyển sang đăng ký và được tuyển chọn vào các trường liên quan đến truyền thông và đặc biệt là ngành y dược, khoa học công nghệ. “Những trường như Đại học Y Thái Bình, Đại học Y Thái Nguyên, Hải Phòng… đang là những trường ‘hot’ được các em học sinh Lào lựa chọn,” thầy Nghĩa cho hay.

Hiện nay, dù các nước khác cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho các sinh viên Lào nhưng nhiều bạn vẫn chọn tới Việt Nam để học tập bởi mối quan hệ truyền thống đặc biệt, gắn bó keo sơn giữa hai nước cũng như tình cảm đặc biệt mà nhà trường, thầy cô, bè bạn và người dân dành cho các bạn.

Theo Đại sứ Lào tại Việt Nam Thoongsavanh Phomvihane, hiện có hơn 14.000 học sinh, sinh viên Lào đang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam, là đất nước có đông sinh viên Lào theo học nhất. Và những sinh viên này sẽ chính là những người kế thừa và phát triển di sản vô giá trong mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước./.

Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 10Học sinh Lào tại Việt Nam biểu diễn các điệu múa cổ truyền. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)
Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 11Học sinh Lào tại Việt Nam biểu diễn các điệu múa cổ truyền. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Lưu học sinh Lào và những điều 'chỉ ở Việt Nam mới có' ảnh 12Sinh hoạt ngoại khoá của sinh viên Lào. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục