Lưu lượng tàu qua Kênh đào Panama giảm gần 30% do hạn hán

Trong suốt một năm qua, kênh đào Panama phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ do hạn hán kéo dài, số lượng tàu qua lại kênh đào giảm từ 38 xuống còn 22 tàu/ngày.

Tàu đi qua Kênh đào Panama. (Nguồn: USDA)
Tàu đi qua Kênh đào Panama. (Nguồn: USDA)

Cơ quan Quản lý Kênh đào Panama (PCA) cho biết lưu lượng tàu qua kênh đào này đã giảm 29% trong 12 tháng qua do tình trạng hạn hán nghiêm trọng liên quan đến biến đổi khí hậu. Khối lượng hàng hóa lưu thông cũng giảm 17% xuống còn 423 triệu tấn.

Không giống như Kênh đào Suez ở Ai Cập, Kênh đào Panama là kênh nước ngọt phụ thuộc vào hai hồ chứa.

Trong suốt một năm qua, kênh đào này phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng thiếu nước tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ do hạn hán kéo dài liên quan đến hiện tượng khí hậu El Nino.

Để ứng phó, PCA đã phải giảm số lượng tàu qua lại kênh đào mỗi ngày từ 38 xuống còn 22 tàu.

Hồi tháng Bảy, PCA thông báo kế hoạch đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD xây dựng hồ chứa nước mới nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nước ngọt cho người dân, cũng như cho tuyến đường thủy liên đại dương nói trên.

Được khánh thành năm 1914, Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài 82km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương.

Kênh đào này có vai trò quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng từ châu Á đến châu Mỹ, với lượng container được đưa qua đây chiếm khoảng 40% tổng lượng container vận chuyển từ khu vực Đông Bắc Á tới vùng Bờ Đông của Mỹ.

Việc di chuyển qua Kênh đào Panama cũng giúp tiết kiệm thời gian cho các hoạt động thông thương từ Mỹ đến châu Á.

PCA hy vọng hoạt động của Kênh đào Panama sẽ phục hồi vào năm 2025. Cơ quan này dự báo doanh thu kỷ lục 5,62 tỷ USD cho năm tới, với lưu lượng 13.900 tàu và 520 triệu tấn hàng hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thăm Ukraine

Chuyến thăm của ông Austin diễn ra vào thời điểm Ukraine kêu gọi các đồng minh phương Tây dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí tầm xa và xem xét đẩy nhanh quá trình Ukraine gia nhập NATO.