Lý do Âu-Mỹ bất mãn với chiến lược “Sản xuất ở Trung Quốc 2025”

“Sản xuất ở Trung Quốc 2025” là được Trung Quốc cho là chuyện nội bộ của nước này. Nhưng trên thực tế, “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” đã trở thành tiêu điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Công nhân làm việc trong nhà máy lắp ráp iPhone của tập đoàn Foxconn ở Trung Quốc. (Nguồn: CNN)

Chiến lược “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” được chính phủ Trung Quốc đề ra từ năm 2015 vạch rõ chương trình phát triển ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến của Trung Quốc trong tương lai 10 năm, chủ trương phát triển các công nghệ then chốt. Tuy nhiên, chiến lược này đã khiến các quốc gia Âu-Mỹ cảnh giác, buộc phải ra đòn "đánh phủ đầu." 

Theo tờ Liên hợp ngày 18/6, “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” là chiến lược do Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đưa ra và là chuyện nội bộ của nước này. Nhưng trên thực tế, “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” đã trở thành tiêu điểm trong va chạm thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ.

Trong văn kiện chính sách thương mại liên quan, chính phủ Mỹ không dưới một lần chỉ trích chiến lược này. Liên minh châu Âu (EU) tuy không khuấy động va chạm thương mại với Trung Quốc, nhưng nhận thức về “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” cũng giống với Mỹ.

[Mega Story] Bế tắc thương mại Mỹ-Trung: Đâu là lối thoát?

Âu-Mỹ cho rằng chiến lược này sẽ trở thành vấn đề lâu dài trong va chạm thương mại giữa Trung Quốc với họ. Đây là sự khác biệt về quan niệm phát triển kinh tế và chế độ kinh tế giữa Trung Quốc và Âu-Mỹ, là sự xung đột về mô hình kinh tế nhà nước nắm quyền chủ đạo và mô hình kinh tế thị trường phương Tây.

Trên phương diện quan niệm phát triển kinh tế, Âu-Mỹ cho rằng “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” về bản chất được tạo ra nhằm thay thế công nghệ phương Tây. Trung Quốc hy vọng phát triển công nghệ cao, sử dụng công nghệ của mình để thay thế công nghệ nước ngoài, làm tốt công tác chuẩn bị cho doanh nghiệp Trung Quốc tiến vào thị trường quốc tế. Trong “Sản xuất ở Trung Quốc 2025,” người ta thấy từ ngữ xuyên suốt là “tự chủ sáng tạo” và “tự mình bảo đảm,” đặt biệt là mục tiêu chi tiết của “tự mình bảo đảm.”

Cụ thể, “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” dự tính tới trước năm 2025 nâng thị phần trong nước lên 70% với các hãng cung cấp nguyên liệu cơ bản, linh kiện then chốt, 40% với chíp điện thoại di động, 70% người máy công nghiệp, và 80% thiết bị sử dụng năng lượng tái sinh do Trung Quốc sản xuất.

Đối với Âu-Mỹ, “tự mình bảo đảm” như vậy chính là nhằm loại bỏ các sản phẩm công nghệ phương Tây khỏi thị trường Trung Quốc. Trung Quốc có thể dựa vào thị trường khổng lồ ở trong nước để thực hiện tự cung tự cấp các sản phẩm công nghệ cao mà không lệ thuộc vào bên ngoài. Việc này đi ngược với phân công quốc tế trong môi trường toàn cầu hóa kinh tế.

Có thông tin cho rằng Trung Quốc hôm nay lợi dụng công nghệ phương Tây để phát triển bản thân và một khi thực hiện được mục tiêu của mình thì ngày mai sẽ đẩy công nghệ phương Tây ra khỏi biên giới đất nước. Mục tiêu then chốt trong chính sách ngành nghề của Trung Quốc là từng bước sử dụng công nghệ trong nước thay thế cho công nghệ nước ngoài và hy vọng Trung Quốc sẽ nắm giữ tất cả công nghệ then chốt. Sau đó, Bắc Kinh sẽ phổ biến công nghệ Trung Quốc ra toàn thế giới, tranh giành thị phần với Âu-Mỹ.

Trong lĩnh vực kinh tế, Trung Quốc dồn sức mạnh của cả nước để thực thi “Sản xuất ở Trung Quốc 2025.” Các biện pháp cụ thể gồm: hỗ trợ bằng cách rót vốn lớn, thực hiện trợ cấp chính phủ và ủng hộ bằng tài nguyên công cộng.

Theo chuyên gia người Mỹ Barry Naughton chuyên nghiên cứu các vấn đề kinh tế Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc ngày càng giống một thể chế đầu tư mạo hiểm. Âu-Mỹ cho rằng một mặt, các cấp chính quyền Trung Quốc can dự một cách có hệ thống vào thị trường trong nước để thúc đẩy ưu thế cạnh tranh của doanh nghiệp Trung Quốc, đẩy đối thủ cạnh tranh nước ngoài vào thế bất lợi.

Mặt khác, chính phủ Trung Quốc lợi dụng sức mạnh hành chính đẩy các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc vào thế yếu. Nói một cách cụ thể: Bằng cách hạn chế điều kiện gia nhập thị trường, cấp giấy phép, đấu thầu, mua sắm, thanh tra an toàn hoặc sử dụng điều kiện, quy định pháp luật…, Trung Quốc đang thực hiện chính sách kỳ thị đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Trong khi đó, Trung Quốc lại lợi dụng nền kinh tế thị trường mở cửa của Âu-Mỹ thông qua mua bán-sáp nhập doanh nghiệp nhằm đoạt lấy công nghệ tiên tiến của Âu-Mỹ. Từ năm 2015 trở lại đây, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc và một bộ phận doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc được nhà nước hỗ trợ vốn tăng mạnh đầu tư vào các hãng cung ứng, chế tạo công nghệ thông minh của Âu-Mỹ. Việc theo đuổi công nghệ nước ngoài của Trung Quốc có khi còn bao phủ toàn bộ một ngành nghề.

Ví dụ, dường như tất cả các doanh nghiệp bán dẫn lớn của Mỹ đều nhận được đề nghị mua lại của doanh nghiệp đến từ Trung Quốc. Âu-Mỹ cho rằng động lực thực thi chiến lược này xuất phát từ chính sách chứ không phải hoàn toàn đến từ doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp ưu tú của Trung Quốc có động lực giành lấy công nghệ tiên tiến, nhưng phần lớn doanh nghiệp tư nhân của Trung Quốc thiếu động lực trên lĩnh vực này.

Ngoài ra, sự bất mãn của Âu-Mỹ còn tập trung ở biện pháp cụ thể do chính phủ Trung Quốc tiến hành, tức là sử dụng thủ đoạn hành chính để thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Trong thời đại xu hướng thương mại và đầu tư tự do hóa, do tồn tại sự hỗ trợ như vậy của chính phủ, các doanh nghiệp Trung Quốc còn cách xa sự cạnh tranh bình đẳng trong điều kiện kinh tế thị trường của Âu-Mỹ. Xem xét ở góc độ này, Âu-Mỹ cho rằng “Sản xuất ở Trung Quốc 2025” gây tổn hại tới lợi ích của Âu-Mỹ.

Khi trả lời phỏng vấn của kênh Fox Business mới đây, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng biện pháp tiếp theo của Mỹ là hạn chế người dân Trung Quốc mua công nghệ Mỹ. Ông Lighthizer hy vọng biện pháp này sẽ thúc đẩy đàm phán tiếp theo và dẫn tới sự thay đổi chính sách của Trung Quốc, chí ít là thể hiện sự tôn trọng và mở cửa thị trường cho Mỹ.

Điều mà Mỹ muốn là thay đổi mô hình hiện nay và nước này sẽ đưa ra biện pháp hạn chế đầu tư khiến Trung Quốc không thể tiếp xúc với công nghệ của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục