Một mảnh vỡ máy bay mới được tìm thấy trên một hòn đảo nhỏ giữa biển khơi đang khiến nhiều quan chức chính phủ và các chuyên gia hàng không tin rằng đó là một phần còn sót lại của chiếc máy bay MH370. Vậy căn cứ vào đâu để khẳng định điều này có cơ sở?
Các nhà đại dương học cho biết, những dòng hải lưu lớn và luôn chuyển dòng chảy qua nam Ấn Độ Dương khiến việc xác máy bay dạt vào gần châu Phi là hoàn toàn có thể.
Một dòng hải lưu lớn chảy ngược chiều kim đồng hồ đang bao trọn hầu hết phía nam Ấn Độ Dương, chảy về phía đông dọc vùng biển phía Nam gần Nam Cực, chảy lên bờ tây Australia rồi hướng về phía tây xích đạo tới Reunion và Madagascar trước khi hướng về phương nam. Và một năm trước, các nhà hải dương học cũng đã lập một biểu đồ dự đoán rằng xác máy bay sẽ dạt vào quần đảo ở La Reunion.
Giảng viên hàng không cao cấp Ronald Biship cho biết phần cánh máy bay rất nhẹ và chứa đầy không khí, giúp nó nổi hoặc bán nổi từ 2-3 phần dưới mặt nước biển.
"Mảnh vỡ nổi lên từ đáy biển, và có thể đã nổi được nửa đường giữa mặt nước và đáy biển. Tùy vào hải lưu, nó có thể đã trôi nổi với tốc độ 3-5 hải lý/giờ. Nếu tốc độ là 75 hải lý/ngày và đã 1 năm trôi qua từ khi MH370 gặp nạn, giả thuyết này có vẻ hợp lý.”
Theo thông tin từ nhà sản xuất, dòng mã 657-BB được tìm thấy trên mảnh vỡ khớp với một cánh liệng treo trên chiếc Boeing gặp nạn. Một kỹ sư từ hãng hàng không Air Austral tại trụ sở ở Reunion cho biết anh ta đã tìm thấy dòng mã trên mảnh vỡ và chắc chắn 99.9% nó là của MH370.
Phó thủ tướng Australia Warren Trus cũng khẳng định dòng mã này sẽ giúp nhanh chóng tìm ra liệu mảnh vỡ có thực sự thuộc về MH370 hay không.
“Sẽ mất một chút thời gian, nhưng việc có được dòng mã số này sẽ giúp chúng ta xác định hình dạng của bộ phận máy bay nhanh hơn bất cứ trường hợp nào khác:, ông cho biết
Các chuyên gia còn có thể dựa vào những con hà bám trên mảnh vỡ này để chỉ ra thời gian mảnh vỡ trôi dạt trong nước. Họ cũng có thể biết được mảnh vỡ đã tới từ vùng biển nào nhờ phân loại những con hà.
Erik van Sebille, một nhà hải dương học của Cao đẳng Imperial College London cho hay: “Có những con hà khác loại sống ở những nơi khác nhau trong đại dương, do đó chúng ta có thể dựa vào chúng để suy luận về mảnh vỡ này.”
Từ khi Boeing 777 được ra mắt năm 1994, đã có 5 vụ tai nạn liên quan đến chiếc máy bay này- tính cả vụ MH370 và vụ MH17 xảy ra, nhưng chỉ có MH370 là mất tích trên biển./.