Lý do phải thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an ninh

Internet và phương tiện truyền thông xã hội đã được các nhóm cực đoan sử dụng để biến đổi suy nghĩ của nhiều phụ nữ, khiến họ trở nên cực đoan hơn trong niềm tin tôn giáo của mình.
Lý do phải thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an ninh ảnh 1Phụ nữ Saudi Arabia tham dự một sự kiện ở thủ đô Riyadh ngày 31/10/2019. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Báo Jakarta Post đã đăng bài viết với tựa đề: “Vai trò của phụ nữ trong tiến trình đảm bảo an ninh và hòa bình.” Nội dung chính của bài viết như sau:

Tháng 10/2019, một cặp vợ chồng trẻ ở Banten đã dùng dao tấn công Bộ trưởng Bộ Điều phối các vấn đề chính trị, pháp lý và an ninh Indonesia; Một vụ đánh bom tự sát của một thanh niên trẻ lái xe taxi công nghệ ở Medan (người này được cho là đã bị vợ "cực đoan hóa") và vụ đánh bom tự sát năm 2018 ở Surabaya liên quan đến các gia đình, bao gồm cả trẻ em. Đây chỉ là một vài trong những vụ việc nghiêm trọng, cho thấy không thể bỏ qua chủ nghĩa cực đoan tôn giáo ở Indonesia.

Trong nhiều trường hợp, phụ nữ đã bị xúi giục để trở thành thủ phạm của những hành vi cực đoan như vậy. Internet và phương tiện truyền thông xã hội đã được các nhóm cực đoan sử dụng để biến đổi suy nghĩ của nhiều phụ nữ, khiến họ trở nên cực đoan hơn trong niềm tin tôn giáo của mình.

Trước các mối đe dọa ngày càng tăng về chủ nghĩa cực đoan bạo lực lan rộng, các nhà lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký Tuyên bố chung về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS) năm 2017.

Tuyên bố khuyến khích các quốc gia thành viên thúc đẩy năng lực của phụ nữ như những người xây dựng hòa bình, trung tâm của các cuộc đàm phán hòa bình.

Ủy ban ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em (ACWC) sau đó đã tổ chức một hội nghị chuyên đề trong chương trình nghị sự của WPS và hiện đang trong quá trình thực hiện một nghiên cứu khu vực để xác định sự tiến bộ, cơ hội và thách thức trong việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong thúc đẩy hòa bình ở Đông Nam Á.

Ủy ban này cũng đã làm việc với các bên khác nhau để dự thảo “Kế hoạch hoạt động Bali nhằm ngăn chặn và chống lại sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan và cực đoan bạo lực giai đoạn 2019-2024.”

Gần một thập kỷ trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết 1325/2000 về phụ nữ, hòa bình và an ninh. Đây là khuôn khổ chính sách và chuẩn mực quốc tế quan trọng nhằm giải quyết các tác động cụ thể về giới của xung đột, khủng hoảng chính trị, di cư, thảm họa và chủ nghĩa cực đoan bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên thực hiện chương trình nghị sự thông qua các hành động và báo cáo cụ thể và có hệ thống hơn, đồng thời kêu gọi phụ nữ tham gia và lãnh đạo đầy đủ và có ý nghĩa trong mọi nỗ lực để duy trì hòa bình và an ninh.

Để thực hiện các cam kết của cả ASEAN và Liên hợp quốc, chính phủ Indonesia đã ban hành Nghị định số 18/2014 của tổng thống về “Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em trong xung đột xã hội,” và sau đó ban hành hai quy định về thành lập nhóm làm việc và kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em trong xung đột xã hội giai đoạn 2014-2019.

[Phụ nữ - 'Vũ khí' bí mật của các tổ chức khủng bố]

Kế hoạch hành động bao gồm các chương trình và hoạt động phòng ngừa, bảo vệ, tham gia, phục hồi và tái thiết, cùng với sự cộng tác của các tổ chức xã hội dân sự và khu vực tư nhân.

Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiều cơ quan chính phủ có liên quan không được phân bổ ngân sách và nguồn nhân lực đủ và bền vững, do đó nhiều chương trình vẫn nằm trên giấy.

Việc triển khai kế hoạch hành động nên được thực hiện và tài trợ trong giai đoạn 2019-2024 và cần có cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả.

Do phụ nữ là tác nhân của hòa bình trong cộng đồng nên sự tham gia và đại diện của phụ nữ trong cộng đồng nên được công nhận và tăng cường. Quỹ Wahid là một sáng kiến của do Zannuba Ariffah Chafsoh lãnh đạo, được biết đến với cái tên “Yenny Wahid,” con gái của cựu tổng thống và giáo sĩ Abdurrahman “Gus Dur” Wahid.

Nền tảng này đã khởi xướng các “làng hòa bình” của người Hồi giáo để thấm nhuần các giá trị của Gus Dur, cụ thể là khoan dung, dân chủ, đa dạng, công bằng, bình đẳng, hòa bình, và tình yêu thông qua phụ nữ trong cộng đồng, các giá trị tương tự như chương trình WPS toàn cầu.

Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dạy trẻ em và giáo dục thanh thiếu niên trong làng và họ cũng giao tiếp với chồng và cộng đồng về những giá trị này.

Để cho phép những ngôi làng hòa bình như vậy tồn tại và tiến bộ, nền tảng đã bắt đầu bằng cách trao quyền trong hoạt động kinh tế của phụ nữ.

Trong 9 làng thí điểm trên khắp Tây, Trung và Đông Java, phụ nữ được đào tạo để trở thành những doanh nhân nhỏ và siêu nhỏ để họ độc lập về kinh tế và không thể bị ảnh hưởng bởi những kẻ cực đoan đã thao túng, ghen tị, chống lại những người di cư.

Họ cũng được đào tạo về các giá trị cốt lõi này để có thể truyền bá chúng đến gia đình và cộng đồng của họ.

Nhiều ngôi làng thí điểm là nơi cư trú của các tín ngưỡng khác nhau đã cho thấy sự khoan dung và độ lượng hơn giữa những khác biệt, trái ngược với sự không khoan dung và các giá trị tôn giáo cực đoan.

Đây là một chiến lược để chống lại sự cực đoan và chủ nghĩa cực đoan bạo lực ở cấp độ cộng đồng.

Các làng hòa bình cho thấy phụ nữ có thể đóng vai trò mạnh mẽ trong việc ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan bạo lực và thúc đẩy hòa bình và bình đẳng.

Họ được đề cao và có ảnh hưởng đến các giá trị cộng đồng và gia đình, và có thể xác định các dấu hiệu ban đầu của quan điểm cực đoan có thể dẫn đến khủng bố; họ có thể thu thập thông tin tình báo với tư cách là nhân viên của ngành an ninh mà các đồng nghiệp nam không thể đạt được, thuyết phục lòng khoan dung với tư cách là người lãnh đạo của các tín ngưỡng khác nhau và tạo ra những câu chuyện đối với nam giới từ góc độ phụ nữ.

Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là một biện pháp đối phó với sự lan rộng của các quan điểm cực đoan.

Chúng ta cần mở rộng các chiến dịch vì hòa bình và khoan dung cho các bên liên quan khác nhau, bao gồm các nhà hoạt động và nghệ sỹ có thể tiếp cận nhiều đối tượng khác nhau thông qua âm nhạc, nghệ thuật, phim ảnh và truyện tranh.

Khi áp dụng chiến lược truyền thông để truyền bá những thông điệp hòa bình này, các câu chuyện hay bài hát phải khuyến khích phụ nữ chống lại bạo lực và phân biệt đối xử, truyền bá sự khoan dung, công bằng và hòa nhập.

Thông điệp về chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa anh hùng thường liên quan đến đàn ông nhưng cũng có thể liên quan đến cả phụ nữ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.