Lý do Techcombank xin được nới room tín dụng lên 20%

Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đang xin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng từ 14% lên 20% trong năm 2018.
Giao dịch tại Techcombank. (Nguồn: Techcombank)

Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) Nguyễn Lê Quốc Anh cho biết, đơn vị này đang xin Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng từ 14% lên 20% trong năm 2018. Một phần nguyên nhân do nhà băng này mới hoàn tất tăng vốn điều lệ lên gấp ba lần và tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp.

Với tình hình tài chính lành mạnh, ông Nguyễn Lê Quốc Anh tiết lộ “có khả năng sẽ được nới tín dụng.”

[Lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61%]

Trong năm 2018, Techcombank đặt kế hoạch giữ tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2%, xoá nợ xấu quá một năm theo tiêu chuẩn báo cáo tài chính quốc tế đồng thời quản lý chặt việc tăng trưởng tín dụng mới để đảm bảo chất lượng tín dụng. Hiện, Techcombank là một trong những ngân hàng đã xoá sạch nợ tại Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) ở mức 14,33%, cao hơn nhiều so với quy định.

Đối với vốn điều lệ, lãnh đạo Techcombank cho biết đã quyết định tăng từ 11.655 tỷ đồng lên 34.965 tỷ đồng nhằm chia sẻ lợi ích với cổ đông qua việc chia lợi nhuận giữ lại trong 3 năm gần nhất, thặng dư vốn cổ phần và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ.

Ngoài ra, nguồn vốn điều lệ tăng thêm còn được dự kiến sử dụng để đầu tư tài sản cố định làm trụ sở tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác, đầu tư vào các dự án công nghệ thông tin, bổ sung vốn cho hoạt động cấp tín dụng và đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh cho hay, do đã dự kiến việc siết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước từ sớm nên Techcombank đã huy động vốn chủ sở hữu rất cao từ đầu năm, ước chừng khoảng 45.000 tỷ đồng và vào cuối năm khoảng 50.000 tỷ đồng. Tỷ lệ cho vay trên vốn chủ sở hữu của Techcombank thấp hơn so với nhiều ngân hàng khác.

Nếu được nới room tín dụng từ Ngân hàng Nhà nước, Techcombank sẽ có thêm 6.000 - 8.000 tỷ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm. Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà Ngân hàng Nhà nước giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17%.

Với chiến lược tăng trưởng tín dụng, Techcombank dự kiến sẽ chuyển sang đẩy mạnh cho vay ngắn hạn, vay vốn lưu động nhằm giảm tỷ trọng cho vay dài hạn xuống dưới 50%, đảm bảo an toàn vốn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34,17% đến cuối quý 3, giảm về dưới mức 40% trước ngày 1/1/2019 là nhằm đảm bảo khả năng phục vụ khách hàng một cách liên tục và không bị hạn chế bởi tỷ lệ an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Về mảng doanh nghiệp, vị CEO này cũng cho biết sẽ tập trung đưa trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường nhiều hơn. Đến cuối quý 3, tăng trưởng dư nợ cho vay của Techcombank chỉ khoảng 3,3%. Tuy nhiên lượng trái phiếu doanh nghiệp mà ngân hàng này sở hữu tăng hơn 5 lần, từ 3.100 tỷ lên gần 16.000 tỷ đồng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng nói chung của Techcombank đã lên gần mức giới hạn 14% theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước cấp hồi đầu năm.

Liên quan đến chủ trương tăng thu từ hoạt động phi tín dụng để giảm rủi ro từ tín dụng, theo ông Lê Quốc Anh, mục tiêu của Techcombank là tỷ trọng này ở mức khoảng 50% tổng thu nhập. Techcombank đang đứng đầu thị trường về doanh số thanh toán qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ. Theo đại diện ngân hàng này, tổng giá trị giao dịch của hai loại thẻ trên đạt gần 73.000 tỷ đồng, trong đó doanh số thanh toán qua thẻ tín dụng là 9.000 tỷ và qua thẻ ghi nợ là 64.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới công bố, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 7.774 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thu nhập hoạt động lũy kế 9 tháng qua đạt 13.294 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu thu nhập của ngân hàng ngày càng đa dạng hơn, tiếp tục chuyển dịch theo định hướng chiến lược. Tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tín dụng giảm từ 53% xuống 48%./.

Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ về tăng trưởng tín dụng của ngân hàng
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục