Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn đại học tăng mạnh so với năm 2019

Điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường đại học tăng mạnh so với năm 2019 là điều đã được các chuyên gia nhận định ngay từ sau khi kết thúc kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông.
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Năm nay, rất nhiều trường đại học công bố điểm chuẩn cao ngất ngưởng, thí sinh đạt trung bình 9 điểm/môn vẫn có thể trượt đại học. Thậm chí, ngành Đông phương học của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội còn có điểm chuẩn lên mức 30 điểm.

Điểm chuẩn cao ngất ngưởng

Bắt đầu từ chiều ngày 4/10, các trường đại học, cao đẳng sư phạm đồng loạt công bố điểm chuẩn. Theo đó, điểm chuẩn năm nay có sự tăng mạnh so với năm 2019. Càng ở các trường tốp trên, mức điểm chuẩn càng tăng mạnh.

Năm 2019, mức điểm chuẩn cao nhất của Đại học Phòng cháy chữa cháy là 25,92 điểm. Tuy nhiên, điểm số này thậm chí còn thấp hơn tới một điểm so với điểm thấp nhất của trường năm nay khi điểm chuẩn năm 2020 của Đại học Phòng cháy chữa cháy thấp nhất là 26,95. Nếu là thí sinh nữ, thậm chí các em phải đạt đến 28,39 điểm mới đủ điểm bước lên giảng đường.

Tương tự, điểm chuẩn của Đại học Ngoại thương năm nay cũng tăng mạnh so với năm 2019. Mức điểm chuẩn cao nhất của trường năm 2019 là 26,4 điểm, còn năm nay, con số này là 28,15 điểm. Điểm chuẩn ngành Y khoa của Đại học Y Hà Nội cũng tăng hai điểm, từ 26,75 điểm của năm 2019 lên 28,9 điểm.

Với mức điểm cao ngất ngưởng, nhiều thí sinh dù đạt tới 9 điểm/môn vẫn trượt giấc mơ đại học.

Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn đại học tăng mạnh so với năm 2019 ảnh 1Điểm chuẩn ngành, nhóm ngành cao nhất của trường năm 2019 và 2020

Không chỉ đưa ra điểm chuẩn cao ngất ngưởng, khối trường quân đội thậm chí phải đưa thêm các tiêu chí phụ. Điểm chuẩn của Học viện Quân y dành cho thí sinh nữ khu vực miền Bắc là 28,65 điểm. Không chỉ phải đạt mức điểm ngất ngưởng, thí sinh còn phải đáp ứng các tiêu chí phụ, gồm điểm môn Toán đạt từ 9,4 điểm trở lên (với tổ hợp khối A, gồm các môn Toán, Lý, Hóa) và điểm môn Sinh từ 8,5 trở lên (với tổ hợp khối B, gồm các môn Lý, Hóa, Sinh). Với thí sinh nữ khu vực miền Nam, để đỗ vào Học viện Quân y cũng cần có mức điểm từ 28,3 điểm trở lên.

Học viện Biên phòng đưa ra mức điểm chuẩn 28,5 điểm dành cho thí sinh nam khu vực phía Bắc, cộng thêm đến ba tiêu chí phụ: Điểm môn Ngữ văn từ 8,25 điểm, điểm môn Lịch sử từ 9,75 điểm, điểm môn Địa lý đạt 10 điểm.

Ở các trường nhóm giữa, điểm chuẩn cũng tăng mạnh. Đại học Giao thông vận tải có mức tăng điểm chuẩn từ một đến ba, bốn điểm tùy từng ngành. Ngành Kế toán năm 2019 có điểm chuẩn là 20,35 điểm, năm nay lên 23,55 điểm. Ngành Công nghệ thông tin từ 21,5 điểm năm 2019 lên 24,75 điểm. 21,5 điểm cũng là mức điểm chuẩn cao nhất của Đại học Giao thông vận tải năm 2019, tuy nhiên, năm nay, trường có đến 22 ngành học có điểm chuẩn vượt mốc này. Điểm chuẩn ngành cao nhất lên đến 25 điểm.

Khi điểm thi tốt nghiệp dùng để xét tuyển đại học

Điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường đại học tăng mạnh so với năm 2019 là điều đã được các chuyên gia nhận định ngay từ sau khi kết thúc kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2020 khi đề thi dễ hơn do tính chất kỳ thi thay đổi.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi Trung học quốc gia được Bộ tổ chức các năm trước có hai mục đích: Vừa để xét công nhận tốt nghiệp, vừa để xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, năm 2020, kỳ thi đã được đổi tên thành thi Tốt nghiệp trung học phổ thông, tính chất của kỳ thi cũng thay đổi khi mục tiêu chỉ để xét công nhận tốt nghiệp. Đề thi theo đó cũng được điều chỉnh theo hướng giảm độ khó để phù hợp với mục đích của kỳ thi.

Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn đại học tăng mạnh so với năm 2019 ảnh 2Phổ điểm môn Toán năm 2019
Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn đại học tăng mạnh so với năm 2019 ảnh 3Phổ điểm môn Toán năm 2020

Nhận xét về đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay, các thí sinh đều cho biết đề thi dễ hơn năm ngoái. Phân tích về cơ cấu đề thi, các giáo viên cho biết đề thi đã có sự điều chỉnh rõ rệt với số lượng câu hỏi dễ, ở mức độ nhận biết và thông hiểu lên đến 75-80%. Số câu hỏi mang tính chất phân loại thí sinh chiếm từ 20-25%, tuy nhiên đa số là các câu hỏi ở mức vận dụng, số câu hỏi ở mức vận dụng cao không nhiều. Đề thi không quá khó để thí sinh có thể đạt điểm 8-9, thậm chí chạm gần đến mức điểm tuyệt đối với các thí sinh giỏi.

[Xuất hiện ngành học có điểm chuẩn cao nhất đạt ngưỡng 30/30 điểm]

Năm 2019, cả nước chỉ có 12 thí sinh đạt điểm 10 môn Toán nhưng năm nay con số này là 302 em. Năm 2019, đỉnh phổ điểm môn Toán ở mức từ 5 đến 7,6 điểm thì năm nay, đỉnh môn Toán lệch hẳn về bên phải với đỉnh phổ điểm ở mức từ 7 đến 8,8 điểm. Đây cùng bức tranh chung của tất cả các môn.

“Với mức điểm như vậy, việc các trường lấy điểm chuẩn cao lên là tất yếu,” phó giáo sư Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng Đại học Ngoại thương nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục