Đã hơn 2 năm kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, phần lớn người dân Mỹ có một số khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 nhờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc hoặc khỏi bệnh sau khi nhiễm, hoặc kết hợp cả hai.
Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp hiếm hoi là những người chưa tiêm chủng dường như vẫn có khả năng miễn dịch dù nhiều lần phơi nhiễm với virus này, làm dấy lên câu hỏi liệu một số người có khả năng miễn dịch tự nhiên với virus hoặc có sức đề kháng với bệnh này.
Các nhà khoa học đang cố tìm hiểu liệu có tồn tại sức đề kháng như vậy cũng như cách thức hoạt động của nó.
Theo các nhà khoa học, việc nghiên cứu các trường hợp hiếm gặp này có thể giúp phát triển các loại vaccine và phương pháp điều trị mới chống COVID-19.
Giáo sư tại Viện Miễn dịch học La Jolla, đồng thời là nhà virus học Shane Crotty cho biết ông và các chuyên gia khác rất cẩn trọng khi nói về chủ đề này bởi đây là vấn đề vẫn cần được nghiên cứu và hiện vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
[Tìm hiểu về hiện tượng phơi nhiễm nhưng không mắc COVID-19]
Lời giải thích đơn giản cho những trường hợp này là do họ may mắn, hoặc cũng có thể là do hành vi của họ như đeo khẩu trang đúng cách hoặc tránh được những tình huống nhất định khiến họ có nguy cơ lây nhiễm.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu bệnh dịch truyền nhiễm tại Khoa y tế cộng đồng thuộc Đại học Texas ở Houston, cho biết một giải thích khác có thể là họ đã mắc COVID-19 mà không hay biết bởi họ không có bất kỳ triệu chứng mắc bệnh nào.
Cho đến nay, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19, với hơn 82,7 triệu người mắc và hơn 1 triệu người tử vong./.