Những ngày này, cả đất nước Singapore đang chìm trong nỗi niềm tiếc thương vô hạn khi nhà lãnh tụ vĩ đại-vị Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore Lý Quang Diệu qua đời.
Thế nhưng, có một điều mà những người nước ngoài như chúng tôi có thể cảm nhận được rất rõ ràng, đó là sự cảm phục và biết ơn của người dân nơi đây về những đóng góp lớn lao mà ông Lý Quang Diệu đã gây dựng trong suốt quãng đường lập nước nhằm tạo nên một quốc gia Singapore lớn mạnh không chỉ về kinh tế, mà còn là một xã hội văn minh, trong sạch; một không gian xanh đáng mơ ước đối với bất kỳ người dân nào trên thế giới.
Lời cảm tạ của một cây con...
Trong vô vàn những câu chuyện cảm động, những kỷ niệm về cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu mà không ít người dân đã nằm lòng, điều mà tôi nhớ nhất đó là chuyện về những cây xanh.
Và cũng thật tình cờ, buổi chiều 25/3, khi vừa từ tòa nhà Quốc hội - nơi đặt linh cữu ông Lý Quang Diệu để người dân vào viếng, trở về nhà và lướt trên trang Facebook cá nhân của một đồng nghiệp, hình ảnh một chiếc biển nhỏ nhắn màu xanh ghi dấu một cây muồng tím (tên tiếng Anh là Rain tree) do chính ông Lý Quang Diệu trồng tại công viên Holland Village vào ngày 16/6/2013 trong dịp kỷ niệm 50 năm phủ xanh Singapore ngay lập tức gây ấn tượng trong tôi.
Điều kỳ lạ là ngay tại tấm biển xanh đó là một bó hoa cúc trắng mới đặt kèm mẩu giấy có ghi những dòng chữ ngay ngắn, đầy cảm động: "Tạm biệt ÔNG LÝ. Khi ông ở trên thiên đường, hãy nhìn xuống và thấy con đang lớn lên thế nào. Xin thay mặt cả họ hàng nhà cây chúng con cảm ơn ông. Chúng con sẽ nhớ ông vô cùng. Thành kính! Một cây con ở công viên Holland Village (được sinh ra năm 2013)."
Mẩu giấy với đôi dòng chữ giản dị ấy đã khiến tôi thật sự xúc động. Đâu đó đằng sau “lời cảm tạ” của cây con là cả sự trân trọng, tình cảm và lòng biết ơn đối với con người đã có tầm nhìn và chiến lược phủ xanh Đảo quốc xinh đẹp này.
Tạo sự ấn tượng từ cây
Hơn 50 năm về trước, vào đúng ngày 16/6/1963, ông Lý Quang Diệu, lúc đó đang là Thủ tướng của Singapore đã trồng cây thành ngạnh đầu tiên (tên tiếng Anh là Mempat) ở Farrer Circus để bắt đầu hành trình phủ xanh Singapore nhằm tạo ra môi trường sạch và xanh, giảm thiểu tình trạng đô thị bêtông đầy khắc nghiệt.
Ông đã từng viết trong cuốn hồi ký năm 2000 rằng: "Sau độc lập, tôi tìm kiếm con đường ấn tượng để phân biệt chúng tôi với các nước thế giới thứ ba khác. Và đó là một Singapore xanh và sạch."
Sự kiện ông Lý Quang Diệu trồng cây xanh đầu tiên vào năm 1963 đã khơi nguồn cảm hứng cho một chiến dịch trồng 1.963 cây được nhiều người hưởng ứng ngay sau đó.
Quỹ cây xanh thành phố đóng góp 470.000 USD vào chi phí trồng cây để phủ xanh Singapore. 1.963 cây xanh đã được trồng tại Đảo quốc Sư tử do các cá nhân và tổ chức thực hiện.
Thông qua chiến dịch xanh, với sự quyết liệt của người đứng đầu chính phủ là ông Lý Quang Diệu cùng các cộng sự và đặc biệt là sự hưởng ứng, cam kết của các thế hệ người dân, thành phố nhỏ bé với diện tích vỏn vẹn 700.000m2 ngày nào nay được phủ đầy một sắc xanh, đem lại một diện mạo mới đầy tươi mát và trong lành.
Điều đáng nói là mặc dù Singapore có mật độ dân cư vào loại cao nhất trên thế giới, với hơn 90% dân số sống trong các khu chung cư, nhưng cây xanh vẫn luôn hiện diện ở khắp mọi nơi.
Màu xanh không chỉ hút mắt tại hơn 300 công viên lớn, nhỏ nằm rải rác khắp Đảo quốc, mà nó còn xuất hiện xen giữa những tòa nhà cao tầng hay thậm chí là ở trên nóc những khu thương mại, các khách sạn, bãi giữ xe ôtô... Nhờ vậy, độ phủ cây xanh của Singapore từ chỗ chiếm 1/3 đã tăng lên đạt gần nửa tổng diện tích đất nước.
Chính cuộc sống ở môi trường trong lành đã tạo động lực giúp các thế hệ lãnh đạo tiếp nối ông Lý Quang Diệu dẫn dắt Singapore theo đuổi một chiến lược giữ mãi màu xanh, tăng sức hấp dẫn, đưa quốc gia này trở thành điểm đến hấp dẫn của những con người tài năng và giới doanh nhân từ khắp nơi trên thế giới.
... và “thành phố trong vườn”
Những năm gần đây, kế hoạch trồng cây xanh ở Singapore bước vào giai đoạn mới - hướng tới bảo tồn sinh học đa dạng. Nếu trước kia, quốc gia này phát triển theo mô hình “vườn trong thành phố,” thì hiện tại Singapore đang hướng tới “thành phố trong vườn” vào năm 2016.
Năm 2006, chính phủ đã ban hành kế hoạch tổng thể xây dựng xanh lần thứ nhất, trong đó yêu cầu tất cả các tòa nhà mới xây ở Singapore đều phải đạt chứng chỉ xanh.
Chứng chỉ này được cụ thể hóa bằng các yêu cầu như tòa nhà phải sử dụng hiệu quả năng lượng, tiết kiệm triệt để nước và đảm bảo chất lượng tốt của không khí trong tòa nhà.
Ba năm sau đó, trong kế hoạch tổng thể lần hai, Singapore đưa chứng chỉ xanh áp dụng vào các tòa nhà hiện có, với mục tiêu hàng đầu là tiết kiệm càng nhiều năng lượng càng tốt.
Đến đầu năm 2014, Singapore triển khai kế hoạch tổng thể lần ba, tập trung vào việc thay đổi hành vi con người để cùng thực hiện chiến lược xanh theo hướng "thành phố trong vườn," có nghĩa cả đất nước sẽ là một khu vườn khổng lồ.
Để thực hiện kế hoạch này, những người dân sinh sống tại Singapore sẽ nhận được trợ giúp từ quỹ Green Mark trị giá 50 triệu đôla Singapore (khoảng trên 40 triệu USD) để có thể bổ sung, lắp đặt mới các thiết bị tiết kiệm điện, nước tại nơi ở. Hình thức hỗ trợ là người dân bỏ một đồng mua thiết bị, Chính phủ cũng sẽ hỗ trợ một đồng!
Với những biện pháp như xây dựng Quỹ vườn thành phố, Chương trình tình nguyện xanh, các nhóm cộng đồng, trường học, doanh nghiệp và các công ty gắn kết chặt chẽ với các trung tâm sinh thái, Chính phủ Singapore hy vọng sẽ "kích hoạt" sự yêu thích sở hữu, đam mê màu xanh của đông đảo người dân sinh sống tại Đảo quốc Sư tử.
Bên cạnh đó, nhà chức trách Singapore cũng cẩn trọng hơn với kế hoạch trồng cây, bảo tồn di sản thiên nhiên để nhận được sự đồng tâm, hỗ trợ của mọi tầng lớp nhân dân. Theo đó, Singapore quy định với các cây di sản, cây trưởng thành trong và ngoài các khu vực bảo tồn được pháp luật bảo vệ. Những cây này được ghi nhận có giá trị lịch sử và đóng góp cho cảnh quan của Singapore.
Dạo bước trên những con đường rợp bóng cây, hít thở bầu không khí trong lành hay ngồi trên những tòa nhà cao tầng để có thể phóng tầm mắt xa xa và rồi bị hút vào một màu xanh rợp, bạn sẽ hiểu được vì sao chú "rồng xanh" châu Á này lại có sức hút khó cưỡng và níu chân du khách đến thế./.