Trong thời gian trước khi xuất hiện biến thể Omicron, việc mắc COVID-19 có triệu chứng ở những người chưa tiêm vaccine sẽ tạo miễn dịch ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm tương tự như tiêm vaccine công nghệ mRNA và khả năng bảo vệ thậm chí dài hơn.
Đây là kết quả nghiên cứu ở Mỹ thực hiện đối với hơn 121.000 người tham gia và được công bố trên tạp chí JAMA Network Open mới đây.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Chicago đã sử dụng dữ liệu về kết quả xét nghiệm COVID-19 tại 1.300 địa điểm ở 6 bang miền Tây từ ngày 1/10/2020 đến ngày 21/11/2021.
Họ đã theo dõi cả những bệnh nhân COVID-19 đã tiêm và chưa tiêm vaccine bắt đầu từ lúc được 90 ngày sau khi tiêm chủng hoặc đã khỏi bệnh.
[Mũi tăng cường vaccine mRNA giúp nâng cao miễn dịch với nhiều biến thể]
Kết quả cho thấy những người từng mắc COVID-19 có khả năng bảo vệ lên đến 85% trước nguy cơ tái nhiễm, giảm 88% nguy cơ nhập viện. Mức độ bảo vệ này ổn định và không giảm trong thời gian lên đến 9 tháng kể từ lần nhiễm đầu tiên.
Theo nhóm nghiên cứu, phát hiện của họ tương tự như những nghiên cứu trước đây, cho thấy khả năng ngăn ngừa nguy cơ tái nhiễm ở những người từng mắc COVID-19 từ 80,5% đến 100%.
Các nhà nghiên cứu cho rằng phát hiện này có thể có ý nghĩa quan trọng đối với chính sách vaccine và y tế cộng đồng vì nó cho thấy khả năng miễn dịch tự nhiên trước nguy cơ bệnh nặng và nhẹ tương tự như vaccine công nghệ mRNA tạo ra.
Tuy nhiên, khả năng bảo vệ của vaccine trước nguy cơ bệnh nhẹ đã cho thấy sự giảm dần sau 6 tháng.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia y tế nhận định dù việc mắc COVID-19 có thể tạo ra khả năng bảo vệ tương tự như vaccine công nghệ mRNA, nhưng tiêm chủng vẫn là biện pháp an toàn hơn đáng kể để có được khả năng miễn dịch đó./.