Theo mạng tin eurasiareview, trong một cuộc họp nội các gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tùy tiện nói với đội ngũ hoạch định chính sách đối ngoại của ông rằng hãy để mặc các nhà lãnh đạo Iran "làm điều mà họ muốn" ở Syria.
Phát biểu này cũng giống với phát biểu của ông cách đây vài tuần, khi nhà lãnh đạo Mỹ nói với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan: "Tất cả Syria là của ông."
Việc Tổng thống Trump không có động thái cụ thể nào chống lại Iran đã khiến Cố vấn an ninh quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mike Pompeo, vốn đang chật vật tìm cách xác định rõ chính sách của nước Mỹ, trở thành những nhà lãnh đạo "ngơ ngác" trong các chuyến công du khu vực gần đây.
Chuyến thăm Iraq của ông Pompeo đã làm nổi bật nên sự khác biệt ngày càng lớn trong quan điểm về thế giới giữa một bên là Mỹ và một bên là những phe phái có thế lực ở Baghdad. Hai bên dường như bất đồng về mọi vấn đề quan trọng.
Ngoại trưởng Pompeo yêu cầu cắt đứt mọi mối quan hệ kinh tế giữa Baghdad và Tehran, nhưng chuyến thăm Iraq của ông lại trùng hợp với thời điểm một đoàn đại biểu cấp cao về thương mại của Iran cũng có mặt tại Iraq.
Ông Pompeo thẳng thắn nói với Thủ tướng Adel Abdul Mahdi rằng nếu Israel tấn công những lực lượng ủng hộ Iran ở Iraq - một viễn cảnh ngày càng có nhiều khả năng xảy ra, trong bối cảnh xuất hiện những tin tức rằng những lực lượng này đang sở hữu các tên lửa tầm trung do Iran sản xuất - thì Mỹ sẽ không can thiệp.
Tổng thống Trump đang cân nhắc về việc sử dụng quân đội Mỹ ở Iraq để loại bỏ tàn dư của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở cả hai phía của biên giới Syria, điều này càng làm tăng thêm những lời kêu gọi ở Baghdad về việc rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Iraq.
[Chiến lược Trung Đông mới của Mỹ có thực sự khả thi?]
Mỹ yêu cầu giải ngũ những tay súng thân Iran dưới cái ô lực lượng bán quân sự Al-Hashd Al-Shaabi, tuy nhiên đối với chính quyền Baghdad mới hiện nay các lực lượng bán quân sự này ngày càng đóng vai trò quan trọng.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif, người đứng đầu đoàn đại biểu thương mại gần đây tới thăm Iraq, đã tuyên bố mạnh mẽ rằng Mỹ không có quyền can thiệp vào mối quan hệ giữa Iran và Iraq.
Iran đang thúc đẩy các biện pháp nhằm xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu, các lệ phí biên giới và thuế quan trong thương mại song phương.
Trong bối cảnh Iraq là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Tehran, và hiện Iran vẫn tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ thông qua các kênh cả hợp pháp và phi pháp, các lệnh trừng phạt được quảng bá rùm beng của Trump ngày càng trở nên vô nghĩa.
Sắp tròn một năm Iraq thiếu vắng một chính phủ hoàn thiện, và hiện không có dấu hiệu đạt được bước đột phá nào. Tình thế bế tắc tiếp tục kéo dài do chưa thể bầu ra một Bộ trưởng Nội vụ.
Các lực lượng thân cận với Iran đã kiểm soát Bộ Nội vụ trong phần lớn khoảng thời gian từ năm 2005.
Họ quyết tâm giành quyền kiểm soát vấn đề an ninh nội địa bằng cách bổ nhiệm một đồng minh thân cận, Cố vấn An ninh Quốc gia Faleh Al-Fayyadh - cũng là người đứng đầu Ủy ban Al-Hashd Al-Shaabi trên danh nghĩa.
Các lực lượng ủy nhiệm của Iran ở cả Syria và Iraq đều được hưởng lợi từ việc Mỹ rút quân khỏi khu vực, đang phối hợp với nhau để tiến sâu hơn vào lãnh thổ Syria. Không phải ngẫu nhiên mà các chiến tuyến mới lại trùng hợp với mỏ dầu quan trọng của Syria.
Theo tin đã đưa, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã nhất trí với ông Al-Fayyad khôi phục lại sự hợp tác giữa các nhóm bộ lạc ở Đông Bắc Syria và các lực lượng Iraq. Những động thái như vậy sẽ xóa bỏ đường biên giới giữa Syria và Iraq, đúng như cách IS coi hai quốc gia này là một khu vực chung.
Các động thái quân sự ngày càng tăng khiến các lực lượng Mỹ ở phía Tây Iraq dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công, điều mà các lực lượng bán quân sự của Iraq từng vài lần đe dọa thực hiện.
Đặc phái viên Mỹ trong liên minh toàn cầu chống IS Brett McGurk, người đã từ chức sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố rút quân khỏi Syria, đã lập luận rằng sự hiện diện của Mỹ tại Syria chỉ ở mức nhỏ song mang lại hiệu quả, nếu rút quân khiến IS và các lực lượng khác trở nên bạo gan hơn.
Sau khi thông báo rút quân khỏi Syria được đưa ra, Mỹ đã phải chịu thương vong lớn đầu tiên trong một cuộc tấn công liều chết.
Đối với Trump và những người thiển cận ủng hộ ông, họ không quan tâm tới việc Iran sẽ tiếp quản khu vực này. Tuy nhiên, những rủi ro từ việc để Syria và Iraq rơi vào tay những lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite ở Iran là rất rõ ràng.
Các chiến dịch thanh trừng sắc tộc chống lại người Hồi giáo dòng Sunni ở Iraq của lực lượng quân sự được Iran hậu thuẫn đã dọn đường cho IS nổi lên năm 2014.
Chính phủ tham nhũng và bè phái ở Iraq sẽ thúc đẩy những người dân Iraq bị mất quyền công dân chống lại nhà nước và yêu cầu ly khai.
Trong số này bao gồm hàng chục nghìn người Hồi giáo dòng Shiite từng biểu tình ở miền Nam Iraq - những người phải chịu cảnh đói nghèo cùng cực dù quê hương họ rất giàu dầu mỏ.
Sự ảnh hưởng của Iran ở Syria, cùng với những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Nga và các nước khác nhằm tạo ra vùng ảnh hưởng của riêng mình, sẽ không tránh khỏi đẩy các cuộc xung đột trở nên tàn bạo hơn.
Dư luận phương Tây vẫn bị ảm ảnh bởi cuộc xâm lược Iraq ngu ngốc năm 2003. Tuy nhiên, những người theo chủ nghĩa biệt lập cho dù cứng rắn tới đâu đều nên nhận thức được rằng sự bất ổn định sẽ châm ngòi cho các cuộc chiến mới của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu, các cuộc khủng hoảng lớn về người tị nạn lớn và đe dọa tới an ninh năng lượng, trong khi gây bất ổn định một khu vực rộng lớn hơn.
Trung Đông chưa bao giờ cần tới các cường quốc toàn cầu có trách nhiệm và các thể chế quốc tế hiệu quả như bây giờ, nhằm khôi phục sự ổn định của khu vực, xóa sổ những tay súng và những kẻ khủng bố, và xây dựng các chính quyền địa phương tôn trọng nhân quyền và luật pháp quốc tế.
Việc Iran sử dụng dân quân địa phương là cách ít tốn kém để thống trị khu vực, tuy nhiên các cường quốc khu vực và toàn cầu vẫn chưa có có biện pháp đối phó hiệu quả. Các giải pháp quân sự có khả năng gây ra tai họa, trong khi đó, sự quả quyết của Ngoại trưởng Pompeo rằng các lệnh trừng phạt đầy lỗ hổng của Mỹ sẽ "buộc người Iran cuối cùng" phải ra khỏi Syria là điều thật nực cười.
Nếu không muốn phải đối mặt với một khu vực Trung Đông đầy bất ổn nằm dưới sự thống trị của các lực lượng bán quân sự do Tehran hậu thuẫn, thì thế giới văn minh phải tìm cách ngăn chặn hiệu quả và toàn diện chế độ này, không chỉ dừng lại ở sự xoa dịu về chính trị như hiện nay, thu hẹp ảnh hưởng tại khu vực của Iran và buộc Tehran phải tuân thủ luật pháp quốc tế.
Nếu không làm được điều này, thế giới sẽ phải trả giá cho quyết định của Trump vì đã quay lưng và để mặc Iran "làm điều mà họ muốn" trong những thập kỷ sắp tới./.