Với kết quả kiểm phiếu không đem lại chiến thắng tuyệt đối cho ứng cử viên nào trong cuộc bầu cử tổng thống Macedonia diễn ra ngày 13/4, Ủy ban bầu cử quốc gia nước này công bố sẽ tổ chức vòng hai cuộc bầu cử tổng thống cùng với cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn vào ngày 27/4 tới.
Kết quả kiểm phiếu sơ bộ công bố sáng 14/4 cho thấy đương kim Tổng thống Gjorge Ivanov, ứng cử viên liên minh cầm quyền Tổ chức Cách mạng toàn Macedonia-Đảng Dân chủ đoàn kết dân tộc (VMRO-DPMNE), giành được 52% số phiếu ủng hộ, và ứng cử viên đối lập Stevo Pendarovski với 37% số phiếu ủng hộ, sẽ bước vào cuộc đua mới.
Theo Hiến pháp Macedonia, để chiến thắng ngay trong vòng một, ứng cử viên phải giành được trên 50% số phiếu ủng hộ của toàn bộ cử tri đủ tư cách tham gia bỏ phiếu (tương đương 870.000 người ủng hộ trong tổng số 1,7 triệu cử tri). Tuy nhiên, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu lần này chỉ đạt khoảng 50%, dẫn tới số người ủng hộ ông Gjorge Ivanov chỉ là 450.000, chưa đủ con số theo quy định.
Kế hoạch bầu cử quốc hội trước thời hạn được đưa ra sau khi khối cầm quyền không giải quyết được bế tắc khi Liên minh Dân chủ vì hội nhập của người Albania (DUI) phản đối đề xuất của VMRO-DPMNE, đảng mạnh nhất trong quốc hội và đang nhận được sự ủng hộ cao của người dân, tái chỉ định ông Ivanov làm ứng cử viên tổng thống.
DUI cho rằng ông Ivanov không phải là ứng cử viên được cả người gốc Albania và người Macedonia chấp nhận. Nhằm phá vỡ bế tắc này, hai đảng trên đã nhất trí kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn vào ngày 27/4 thay vì kế hoạch sẽ diễn ra vào năm 2015.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tổng tuyển cử sẽ không làm thay đổi đáng kể thành phần quốc hội hiện nay.
Tình trạng kinh tế kiệt quệ hiện là chủ đề chi phối chiến dịch bầu cử tổng thống Macedonia. Trong khi đó, phe đối lập tìm cách chuyển hướng sự chú ý của người dân sang cuộc tranh cãi giữa Macedonia với Hy Lạp về tên nước, mà phe đối lập cho rằng đang tác động tiêu cực đến tình hình chính trị-kinh tế đất nước.
Hy Lạp phản đối vì cho rằng việc quốc gia Balkan này sử dụng tên gọi Macedonia trùng với tên của một vùng lãnh thổ của Hy Lạp là một "tuyên bố chủ quyền" đối với vùng đất đó. Tranh cãi đã khiến Macedonia gặp trở ngại trong việc xin gia nhập Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương./.