Ngày 11/12, Macedonia tổ chức cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn nhằm khép lại cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài 22 tháng qua tại quốc gia Balkan này.
Khoảng 3.490 điểm bầu cử đã mở cửa đón gần 1,8 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Có 6 chính đảng và 5 khối liên minh chạy đua để có thể giành đa số tại Quốc hội 123 ghế.
Khoảng 8.000 quan sát viên trong nước và 700 quan sát viên nước ngoài tới giám sát cuộc bầu cử này.
Theo giới quan sát, đảng Tổ chức Cách mạng toàn Macedonia - Dân chủ đoàn kết dân tộc (VMRO-DPMNE), dẫn đầu liên minh "Vì một Macedonia tốt đẹp hơn" gồm 25 chính đảng, sẽ cạnh tranh với đảng Liên minh Dân chủ xã hội (SDSM), hiện là nòng cốt của 1 liên minh cánh tả mang tên "Vì cuộc sống tại Macedonia."
Macedonia rơi vào bất ổn hồi từ tháng 2/2015 sau khi phe đối lập cáo buộc Thủ tướng lúc đó là ông Nikola Gruevski và lãnh đạo cơ quan phản gián nước này nghe lén điện thoại của hơn 20.000 người.
Theo thỏa thuận do Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian nhằm chấm dứt khủng hoảng, đầu năm 2016, ông Gruevski đã từ chức nhằm mở đường cho cuộc bầu cử trước thời hạn.
Cuộc bầu cử đã bị trì hoãn tới 2 lần do phe đối lập cho rằng các điều kiện chuẩn bị cho cuộc bầu cử chưa được đáp ứng.
Mãi tới tháng 10 vừa qua, lãnh đạo của 4 chính đảng đã họp và nhất trí đề xuất tiến hành cuộc bầu cử sớm vào ngày 11/12.
Nhiều cử tri Macedonia đã bày tỏ bức xúc trước tốc độ phát triển quá chậm của Macedonia, nhất là khi nỗ lực của nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không có tiến triển./.