Năm 2020 đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam bắt đầu khởi động chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong mọi ngành nghề, lĩnh vực mà các doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò quan trọng khi tạo ra những sản phẩm do người Việt Nam làm chủ. Mỗi sản phẩm "Make in Viet Nam" thành công đều gắn với những câu chuyện đầy tự hào, truyền cảm hứng của các đơn vị, doanh nghiệp công nghệ thông tin nước nhà.
Câu chuyện của Việt Nam
Cuối tháng 12/2020, tại Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, khi nói về chuyển đổi số, doanh nghiệp công nghệ và sản phẩm công nghệ "Make in Viet Nam," Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Từ trước đến nay, chúng ta đã nghe, nói nhiều về các câu chuyện của nước ngoài. Đã đến lúc chúng ta phải kể câu chuyện của Việt Nam. Nói về sản phẩm "Make in Viet Nam" chính là kể câu chuyện Việt Nam để gây cảm hứng, khích lệ người Việt làm được những công việc khó.
“Mỗi người dân, doanh nghiệp Việt Nam hãy "Make in Viet Nam" và kể câu chuyện của chính mình. Chúng ta có rất nhiều câu chuyện, hãy kể nó để có nhiều hơn nữa các câu chuyện Việt,” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn.
Sau 30 năm hình thành và phát triển, từ một công ty xây lắp nhỏ (thành lập năm 1989), đến nay, Viettel đã trở thành một tập đoàn công nghiệp viễn thông hàng đầu Việt Nam. Thành quả của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) có sự đóng góp rất lớn của công nghệ thông tin, đặc biệt là chuyển đổi số trong giai đoạn vừa qua. Viettel đã vươn mình lớn mạnh, khẳng định vị thế không chỉ tại Việt Nam, khu vực và còn vươn ra quốc tế.
Ông Nguyễn Thanh Nam, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp, Viễn thông Quân đội (Viettel) chia sẻ Viettel có doanh thu hàng năm đạt 20 tỷ USD, lợi nhuận 40.000 tỷ đồng. Viettel luôn có mặt trong nhóm 500 thương hiệu lớn nhất thế giới. Trong lĩnh vực viễn thông, thương hiệu Viettel chiếm vị trí số 1 Đông Nam Á và đứng thứ 28 trên thế giới.
Chia sẻ về bí quyết chuyển mình nhanh chóng của Viettel, ông Nguyễn Thanh Nam đề cập đến 2 yếu tố cơ bản là “đổi mới tổ chức văn hóa” và “xây dựng nhân tài.” Cụm từ “văn hóa Viettel” được nhiều người biết đến, tạo nên sự khác biệt của Viettel trong cộng đồng công nghệ thông tin Việt Nam. Ở khía cạnh trọng dụng nhân tài, Viettel chú trọng thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ cao bằng chế độ đãi ngộ xứng đáng. “Hiện trong lĩnh vực an ninh mạng, trong nhóm 100 cao thủ thế giới, có 4 người làm tại Viettel”...
[Việt Nam tiên phong chuyển đổi số: Hướng phát triển trong thời kỳ mới]
Không chỉ xây dựng nội bộ vững mạnh, mỗi “chân rết” Viettel vươn đến, cuộc sống của người dân đều có thay đổi tích cực. Đến thời điểm hiện tại, Viettel đã phủ sóng tới 100% các xã và 95% dân số cả nước. Trên cơ sở mạng lưới viễn thông mạnh, Viettel tập trung xây dựng hệ sinh thái nền tảng công nghệ Việt đa dạng, phục vụ nhiều lĩnh vực như tài chính, y tế, giáo dục, xây dựng đô thị thông minh…
Năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, Viettel là một trong những đơn vị công nghệ thông tin đầu tiên triển khai ứng dụng, phần mềm hỗ trợ người dân trong dịch vụ khám chữa bệnh từ xa (Telehealth). Trong 2 tháng, ứng dụng này đã triển khai với quy mô hơn 1.000 điểm, tiến tới sẽ mở rộng tới 4.000 cơ sở y tế cấp xã, phường.
Sau khi thử nghiệm thành công mạng 5G, năm 2021, Viettel nỗ lực xây dựng và phát sóng mạng và thương mại hóa 5G. Nhiều sản phẩm công nghệ 5G đang được Viettel nghiên cứu, đầu tư sản xuất để đảm bảo công nghệ Việt đáp ứng được nhu cầu của người Việt. Và ở tầm cao hơn, sử dụng công nghệ Việt là cách duy nhất để đảm bảo an toàn an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Ghi tên Việt Nam lên bản đồ công nghệ mới
Trong giai đoạn 2018-2020, nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam tìm hướng đi bứt phá trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đầu năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện mang đến "cú sốc" cho toàn cầu. Ngay lập tức, nhận định chuyển đổi số trở thành yếu tố sống còn tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần FPT đã kêu gọi các doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi số để bắt kịp thời đại.
Nhìn lại chặng đường phát triển 20 năm của thương hiệu FPT, ông Trương Gia Bình không thể quên những khó khăn khi bước chân vào làng công nghệ phần mềm. FPT đã nỗ lực tìm hướng đi gia công phần mềm, đưa kỹ sư Việt đi làm thuê cho những nước phát triển để đổi lại tri thức, mối quan hệ và vươn lên làm chủ những công nghệ mới. Đến nay, FPT tự hào là một thương hiệu công nghệ thông tin Việt, tin cậy của khách hàng, trong đó nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới, ở những thị trường công nghệ lớn như Nhật Bản, Mỹ.
Ông Trương Gia Bình chia sẻ: Lực lượng làm công nghệ thông tin của Việt Nam lúc này đang ở mức tương đương nhiều quốc gia phát triển. Với đội ngũ này, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam có thể giải quyết các bài toán về nhu cầu chuyển đổi số trong nước và cho các nước khác trên thế giới. Khi làm được điều này, Việt Nam sẽ ghi tên mình trên bản đồ công nghệ mới trên phạm vi toàn cầu. Đây là khát vọng của cộng đồng làm công nghệ thông tin của Việt Nam, trong đó, FPT luôn sẵn sàng đi đầu, tiên phong, cùng các tập đoàn công nghệ mạnh khác, dẫn dắt xu hướng công nghệ nước nhà.
Là một doanh nghiệp Việt, khai khác mảng ứng dụng gọi xe thông minh, Tổng giám đốc Be Group Nguyễn Hoàng Phương đã chia sẻ trên nhiều diễn đàn câu chuyện khởi nghiệp của Be.
Theo bà Nguyễn Hoàng Phương, công nghệ số góp phần xóa đi khoảng cách giữa các lĩnh vực, quốc gia, doanh nghiệp; tạo ra kinh tế số với một tiềm năng rất lớn. Trong những lĩnh vực mới, các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài nhanh chóng tạo ra trị trước mắt như các ứng dụng Grab, Uber... trong lĩnh vực gọi xe thông minh.
Tuy nhiên, mỗi thị trường đều có những đặc tính riêng, Uber không tồn tại lâu được ở Việt Nam, đây là bài học và là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt. “Nếu doanh nghiệp trong nước không đứng lên, làm chủ những mảng kinh doanh cốt lõi thì sẽ thua ngay trên sân nhà. Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới.” Đó là lý do mà bà quyết tâm xây dựng thương Be.
Hiện nay, ứng dụng gọi xe Be của Be Group đã sở hữu khoảng 30% thị phần tại Việt Nam. Đây là nỗ lực lớn để "giành" sân nhà của một doanh nghiệp Việt trước các “đối thủ ngoại quốc to lớn.” Trong tương lai, bà Nguyễn Hoàng Phương mong muốn xây dựng Be Group thành một mạng lưới với vận chuyển, tiếp vận (logistics), giao thông, tài chính thanh toán, du lịch tiện dụng nhất để người dân tối đa hóa được nhu cầu mà chỉ cần dùng thống nhất một ứng dụng duy nhất...
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA chia sẻ tổng kết năm 2020, MISA tăng trưởng 25% so với năm 2019 dù phải đối đầu với nhiều khó khăn do ảnh hưởng COVID-19. Để lội ngược dòng ngoạn mục trong giai đoạn đầu của chuyển đổi số kèm với vượt qua tác động kép của dịch COVID-19, bà Thúy nhấn mạnh: Cần tư duy theo hướng biến thách thức thành cơ hội và hành động nhanh chóng.
Công ty Cổ phần MISA đã đón làn sóng công nghệ mới, nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm hiện đại, trong đó có hóa đơn điện tử - một sản phẩm phù hợp với việc bán hàng từ xa. Năm 2020, dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng sản phẩm này đã vươn đến khách hàng trong nhiều lĩnh vực mới. Bởi đây là sản phẩm giúp các doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong thời gian giãn cách xã hội do COVID-19; phù hợp với xu thế phát triển thương mại điện tử.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra kỷ nguyên công nghệ mới, dịch COVID-19 đã buộc các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số để tồn tại và phát triển. Họ không chỉ nỗ lực tìm hướng đi mới, tự chuyển đổi số mà còn cùng liên kết để tạo ra các sản phẩm công nghệ Việt, xây dựng hệ sinh thái "Make in Viet Nam" để hỗ trợ tất cả các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Sản phẩm công nghệ Việt là nền tảng để nước ta tạo phát triển đột phá về kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số, nâng thu nhập người dân lên mức cao, thay đổi thứ bậc xếp hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng toàn cầu./.