Mali đề xuất với ECOWAS về hoãn bầu cử "tối đa thêm 5 năm"

Chính phủ chuyển tiếp của Mali ban đầu đồng ý tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 2/2022, song quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã không đạt được nhiều tiến bộ kể từ đó.
Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/1, Ngoại trưởng Mali, ông Abdoulaye Diop cho biết chính quyền lâm thời của nước này đã đề xuất với các nước láng giềng Tây Phi rằng quá trình chuyển đổi trở lại chế độ dân sự sau cuộc đảo chính quân sự năm 2020 sẽ được kéo dài thêm 5 năm.

Chính phủ chuyển tiếp của Mali ban đầu đồng ý tổ chức các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 2/2022, 18 tháng sau khi Đại tá Assimi Goita lãnh đạo cuộc lật đổ Tổng thống Boubacar Ibrahim Keita.

Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã không đạt được nhiều tiến bộ kể từ đó. Chính quyền Mali đổ lỗi cho sự thiếu tổ chức và các hoạt động bạo lực của phiến quân Hồi giáo.

Sau cuộc gặp Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo - Chủ tịch Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) gồm 15 thành viên, Ngoại trưởng Mali Abdoulaye Diop cho biết ông đã đề xuất trì hoãn cuộc bầu cử tối đa thêm 5 năm.

[ECOWAS cảnh báo áp đặt lệnh trừng phạt bổ sung với Mali]

Người phát ngôn của ECOWAS chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vấn đề này. ECOWAS đang đấu tranh chống lại các cuộc đảo chính quân sự ở khu vực được cho là "vành đai đảo chính" của châu Phi.

Đại tá Goita đã tiến hành cuộc đảo chính lần thứ hai vào tháng 5/2021 phế truất tống thống tạm quyền, sau khi ông lật đổ cựu Tổng thống Keita trước đó, và tự mình đảm nhận vị trí tổng thống.

ECOWAS đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Mali về việc trì hoãn bầu cử và cảnh báo sẽ mạnh tay hơn nếu cuối năm 2021 Mali không đưa ra kế hoạch cho cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào tháng 2/2022.

Hành động của Mali cũng làm gia tăng căng thẳng Pháp, quốc gia đã triển khai hàng nghìn binh sỹ khắp khu vực Sahel của Tây Phi để chiến đấu chống lực lượng phiến quân Hồi giáo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục