Malta tiếp nhận 11 người di cư sau nhiều ngày lênh đênh trên biển

Chính phủ Malta thông báo nhóm người di cư được tàu đánh cá Nuestra Madre Loreto của Tây Ban Nha cứu sẽ được tới Malta để điều trị y tế trước khi tái phân bổ về Tây Ban Nha.
Malta tiếp nhận 11 người di cư sau nhiều ngày lênh đênh trên biển ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: elpuntavui.cat)

Ngày 2/12, Malta đã tiếp nhận 11 người di cư mắc kẹt trên Địa Trung Hải trong 10 ngày qua sau khi được ngư dân Tây Ban Nha cứu sống.

Chính phủ Malta thông báo nhóm người di cư được tàu đánh cá Nuestra Madre Loreto của Tây Ban Nha cứu sẽ được tới Malta để điều trị y tế trước khi tái phân bổ về Tây Ban Nha.

Nhóm cứu trợ Proactiva Open Arms, từng cùng tàu cá trên giải cứu những người di cư, cho biết chính quyền Valletta đã đồng ý tiếp nhận nhóm người di cư khi điều kiện thời tiết trên biển ngày càng khắc nghiệt.

Trong thông báo trên Twitter, nhóm cứu trợ này cho biết tàu Nuestra Madre Loreto đã hoàn tất việc bàn giao những người di cư cho cảnh sát biển Malta và nhóm người này sẽ sớm được đưa tới một cảng biển của quốc gia này.

Trước đó, ngày 22/11, nhóm 12 người di cư từ Nigeria, Somalia, Sudan, Senegal và Ai Cập đã được cứu ngoài khơi Libya. Một người trong số này sau đó đã được trực thăng đưa đi cấp cứu do bị mất nước trầm trọng. Nhóm người này xuất phát từ Libya và được phát hiện khi lênh đênh trên vùng biển Malta. Tây Ban Nha đã cố gắng thuyết phục chính quyền Tripoli tiếp nhận trở lại những người di cư này, đồng thời đàm phán với cả Italy và Malta.

Tuy nhiên, hôm 27/11, Proactiva Open Arms cho biết cả Rome và Valletta đều từ chối cho phép thuyền của những người di cư này neo đậu tại các cảng của họ.

Tuyến đường biển từ Libya vượt Địa Trung Hải để tới các quốc gia cửa ngõ châu Âu như Tây Ban Nha và Italy là tuyến đường chủ yếu được người di cư Bắc Phi lựa chọn khi tìm đường tới "miền đất hứa."

[Thêm nhiều nước rút khỏi hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ]

Ngày 23/11, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) đã cảnh báo tình hình "đáng báo động" về người di cư châu Phi bỏ mạng trên hành trình vượt biển tới Tây Ban Nha.

Theo IOM, kể từ đầu năm, có ít nhất 631 người di cư châu Phi thiệt mạng trong hành trình vượt biển tới Tây Ban Nha. Con số này tăng gần gấp ba lần so với của cả năm 2017. Người di cư thường liều lĩnh vượt biển trên những con thuyền nhỏ, không đủ sức ra khơi xa và thường chở quá tải.

Số người di cư trên tuyến đường biển chính từ Libya tới Italy đã giảm mạnh trong năm qua, phần nào nhờ các thỏa thuận giữa chính phủ Libya với các nhóm vũ trang ở nước này trong cuộc chiến chống buôn người di cư. Tuy nhiên, số người di cư thực hiện hành trình vượt biển từ phía Tây Địa Trung Hải sang Tây Ban Nha lại gia tăng.

Hồi tháng Chín vừa qua, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đánh giá Libya không đáp ứng được các tiêu chuẩn cần thiết để được lựa chọn là nơi neo đậu an toàn cho các tàu thuyền sau các chiến dịch giải cứu.

UNHCR chỉ ra các yếu tố như tình hình an ninh bất ổn tại quốc gia Bắc Phi hay những nguy cơ đặc biệt với người di cư phải sinh sống trong điều kiện tạm trú không đảm bảo. Tình trạng ngược đãi, bóc lột người di cư cũng xảy ra tràn lan tại quốc gia đang chìm trong khủng hoảng chính trị này. Nhiều người di cư sau khi được giải cứu và đưa về Libya sẽ bị giam lỏng trong những trại tị nạn hoặc bị những kẻ buôn người mang ra mua bán như nô lệ.

Sau khi lên nắm quyền hồi tháng Sáu vừa qua, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã cho phép các tàu cứu hộ neo đậu an toàn tại các cảng của quốc gia này. Tây Ban Nha cũng ba lần cho phép các tàu của Open Arms neo đậu, nhưng trong tháng Chín, Madrid đã từ chối tiếp nhận các tàu cứu hộ và đàm phán phân bổ người di cư trên các tàu này với một số quốc gia châu Âu khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.