Màn trình diễn hoành tráng của hai trực thăng Nga trên bầu trời Hà Nội
Chiều 16/11, hai dòng trực thăng Ansat và Mi-171A2 của Nga đã có những màn trình diễn bay lượn đầy hoành tráng trên bầu trời Hà Nội.
Minh Sơn - Tô Tùng
Chiều 16/11, hai dòng trực thăng Ansat và Mi-171A2 của Nga đã xuất hiện tại sân bay Gia Lâm để sẵn sàng cho màn trình diễn bay lượn đầy hoành tráng trên bầu trời Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ansat và Mi-171A2 cũng là hai dòng trực thăng vừa tham dự Triển lãm Hàng không Quốc tế Chu Hải ở Trung Quốc từ ngày 6 - 11/11 vừa qua.(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hai trực thăng này đã được trưng bày tại Triển lãm và thực hiện các chuyến bay biểu diễn. Sau đó, cả hai đã bay tới Hà Nội để chuẩn bị cho các hoạt động trình diễn tiếp theo tại Việt Nam vào ngày 16/11. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trung tướng Lê Huy Vịnh - Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã tham dự buổi bay trình diễn này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Đúng 11 giờ 40, khi nhận lệnh từ chỉ huy đội bay, hai chiếc trực thăng đã cất cánh bắt đầu màn bay trình diễn. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ansat và Mi-171A2 đã được Russian Helicopters (thuộc Tập đoàn Rostec) tổ chức bay trình diễn tại sân bay Gia Lâm (Hà Nội). (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Andrey Boginsky, Giám đốc điều hành (CEO) của Russian Helicopters cho biết, nhìn chung, các đơn vị vận hành ở Đông Nam Á luôn đánh giá cao các trực thăng do Nga chế tạo, đặc biệt là những loại phục vụ cho nhiệm vụ cứu hỏa, vận tải và tham gia công việc xây dựng, lắp ráp ở những địa bàn khó tiếp cận. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Bên cạnh đó, Russian Helicopters cũng đã nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng cho các trung tâm dịch vụ trong khu vực. Chẳng hạn như, Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật trực thăng Helitechco, liên doanh Việt - Nga đã đi vào hoạt động từ năm 1994. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Sau Việt Nam, các khách hàng tiềm năng từ Campuchia, Thái Lan và Malaysia cũng sẽ có cơ hội làm quen với khả năng của 2 mẫu trực thăng mới do Nga chế tạo là Ansat, Mi-171A2 trong chuyến đi trình diễn - giới thiệu tại các nước Đông Nam Á. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Hai chiếc trực thăng Ansat, Mi-171A2 thực hiện bay 3 vòng trên không xung quanh khu vực sân bay Gia Lâm. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ansat là dòng trực thăng hạng nhẹ, đa năng, hai động cơ do Nhà máy Trực thăng Kazan sản xuất. Theo giấy chứng nhận sản phẩm, thiết kế của trực thăng có thể cho phép nó chuyển đổi mục đích sử dụng sang máy bay chở hàng hay vận tải hành khách với số lượng lên tới 9 người. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong khi đó, Mi-171A2 là phiên bản cải tiến mới nhất của dòng trực thăng Мi-8/17/171. Trực thăng được trang bị các động cơ VK-2500PS-03 với hệ thống điều khiển kỹ thuật số. Tốc độ hành trình và tốc độ tối đa của Mi-171A2 cao hơn 10%, còn tải trọng lớn hơn 25% so với Mi-8/17. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại buổi bay trình diễn, ông Dmitry Danilov - Phó tổng giám đốc phụ trách lĩnh vực trực thăng dân sự của Công ty trực thăng Nga chia sẻ: 'Chúng tôi tới Việt Nam với cả trái tim và sẵn sàng nỗ lực cao nhất để chinh phục thị trường đầy tiềm năng và phát huy tối đa mối quan hệ truyền thống tốt đep giữa 2 nước Nga-Việt nói chung và giữa Công ty trực thăng Nga với các đối tác Việt Nam'. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Chiến đấu cơ tương lai của Nga được trang bị hệ thống triệt tiêu tín hiệu hồng ngoại nhằm tránh bị máy bay đối phương phát hiện và có thể đạt tốc độ lên đến 700km/giờ nhờ công nghệ "động cơ đẩy."
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hoan nghênh và ủng hộ hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Tập đoàn Đường sắt Nga RZD trong việc hiện đại hóa và phát triển các hệ thống đường sắt tại Việt Nam.