Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc của Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, chất lượng 4G tốt sẽ là nền tảng quan trọng để tiến tới 5G.
Chia sẻ với báo giới, ông Nam cho hay, Qualcomm đã làm việc với các đối tác trong hệ sinh thái di động tại Việt Nam để tiến hành thương mại hóa 4G và hiện nay vẫn tiếp tục làm việc để thúc đẩy sự phát triển của băng rộng di động này.
[Việt Nam là thị trường trọng điểm của hãng công nghệ Qualcomm]
Lãnh đạo Qualcomm dự báo, phát triển 4G trong thời gian tới sẽ tiếp tục là trọng tâm và công nghệ 4G cũng đang được mở rộng ứng dụng, không chỉ cho smartphone truyền thống mà còn cho các ngành công nghiệp khác như xe tự lái. Việc phát triển nhánh 4G LTE (như CAT-M1) cho IoT sẽ là nền tảng quan trọng cho Việt Nam triển khai tầm nhìn về cách mạng công nghiệp 4.0.
Ông Nam cũng cho hay, tính tới năm 2017, đơn vị này có 70.000 bản quyền đã được cấp phép, chứng nhận bảo hộ và một số lượng tương đương các phát minh đang đợi cấp phép. Hiện nay đã có 4 đối tác Việt Nam tham gia vào chương trình chia sẻ bản quyền với Qualcomm để nhanh chóng sản xuất các thiết bị di động và IoT, tiết kiệm thời gian và đầu tư. Các công ty này có quyền sử dụng tất cả những phát minh, bằng sáng chế của Qualcomm, những nguồn lực như thiết kế tham chiếu, công cụ phát triển...
Để thúc đẩy 4G, Qualcomm làm việc với các nhà sản xuất điện thoại tại địa phương và các nhà sản xuất điện thoại quốc tế để đưa ra những sản phẩm mới đến với người dùng Việt Nam. Một trong những trọng tâm của Qualcomm là làm thế nào để những người đang sử dụng điện thoại phổ thông (feature phone) chuyển đổi lên 4G càng sớm càng tốt.
Hiện, tại thị trường Việt Nam cũng đã có những chiếc điện thoại với giá khoảng 2 triệu đồng có tích hợp 4G như của Samsung, Xiaomi... Đáng chú ý, mẫu điện thoại đột phá của Xiaomi là Redmi 5A, sử dụng chip của Qualcomm được bán với giá 1,79 triệu đồng. Đây được coi là sản phẩm kích cầu 4G rất tốt khi tính tới 27/1, trên Lazada đã có hơn 53.000 lượt đăng ký mua với 13.000 sản phẩm đã được tới tay người dùng...
"Hiện nay, Việt Nam vẫn còn khoảng 40 triệu thuê bao 2G, tương đương 40 triệu điện thoại phổ thông. Sự chuyển đổi từ 2G lên 4G sẽ giúp các nhà mạng giải phóng băng tần 2G để đưa lên cho 4G và sắp tới là 5G,” ông Nam nhận định.
Bên cạnh đó, việc tối ưu hóa khả năng 4G của các nhà mạng cũng là một nhu cầu lớn. Các kỹ sư Qualcomm cũng đã làm việc từ 3 đến 6 tháng cùng kỹ thuật của các nhà mạng Việt Nam để tối ưu mạng 4G.
"Ngoài ra, năm 2018, Qualcomm sẽ tổ chức những hội thảo, hội nghị chuyên đề với các nhà mạng để chia sẻ định hướng, kế hoạch cho 5G," ông Nam cho biết./.