Sáng 9/5, Đài Truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV) đưa tin các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B Y2, tên lửa lớn nhất của Trung Quốc, đã rơi xuống Ấn Độ Dương, trong đó nhiều bộ phận của tên lửa đã tự hủy trong quá trình rơi trở lại bầu khí quyển Trái Đất.
CCTV dẫn nguồn tin từ Văn phòng Kỹ thuật không gian Trung Quốc cho biết các bộ phận của Trường Chinh 5B Y2 đã rơi trở lại khí quyển Trái Đất vào khoảng 10 giờ 24 sáng 9/5, giờ Bắc Kinh.
Các mảnh vỡ được xác định rơi xuống một địa điểm có tọa độ 2,65 độ vĩ Bắc và 72,47 độ kinh Đông, tương ứng một vị trí ở Tây Nam Ấn Độ và Sri Lanka.
Hầu hết các mảnh vỡ đã bốc cháy trong quá trình rơi trở lại bầu khí quyển.
Trong khi đó, Space-Track, dịch vụ giám sát hoạt động không gian dựa trên dữ liệu của quân đội Mỹ, cũng xác nhận các mảnh vỡ của tên lửa này đã rơi trở lại bầu khí quyển mà không gây nguy hiểm.
[Video] Mảnh vỡ tên lửa Trung Quốc sẽ rơi xuống đâu trên Trái Đất?
Tên lửa Trường Chinh 5B Y2 được phóng ngày 29/4 để đưa module lõi của Trạm không gian Thiên Cung vào quỹ đạo.
Ngày 5/5, truyền thông nhiều nước đưa tin tầng lõi của tên lửa đang “rơi không kiểm soát” vào quỹ đạo Trái Đất. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc nhận định mảnh vỡ của tên lửa có thể sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế.
Về vấn đề này, ngày 7/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Trung Quốc hết sức quan tâm việc quay trở lại khí quyển của tầng lõi tên lửa này.
Ông nói: “Theo tôi được biết, tên lửa này có thiết kế kỹ thuật đặc biệt, hầu hết các bộ phận sẽ bốc cháy tiêu hủy trong quá trình quay trở lại, do vậy xác suất gây hại cho các hoạt động hàng không và mặt đất là cực kỳ thấp. Các cơ quan chủ quản sẽ kịp thời thông báo tình hình với bên ngoài.”
Các chuyên gia phân tích vũ trụ Trung Quốc khẳng định các mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B Y2 sẽ rơi xuống vùng biển quốc tế và việc các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống Trái Đất là bình thường trong lĩnh vực không gian.
Ngoài ra, với việc sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B Y2 sẽ không gây ô nhiễm đại dương./.