Ngày 26/8, phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn truyền thông khu vực ngày 26/8 cho biết Chủ tịch Hạ viện Maroc Habib El Malki đã chính thức đề nghị được trở thành nước quan sát viên trong Hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á (AIPA) nhân dịp ông tham dự với tư cách là khách mời danh dự Đại Hội đồng lần thứ 40 AIPA (AIPA 40) diễn ra cùng ngày tại Bangkok, Thái Lan.
Theo truyền thông Maroc, bên lề AIPA 40, Chủ tịch Hạ viện El Malki đã hội đàm với Chủ tịch Quốc hội các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về quan hệ hợp tác song phương và các cách thức để hai bên tiếp tục các hoạt động ngoại giao nghị viện. Đây là cơ hội để tăng cường mối quan hệ giữa Maroc và các quốc gia ASEAN và tìm hiểu triển vọng hợp tác dựa trên khuôn khổ hợp tác được thiết lập giữa Hạ viện của nước này và một số nghị viện của ASEAN.
[Chủ tịch Quốc hội: Đưa quan hệ Việt Nam và Maroc lên tầm cao mới]
Hiện Morocco là quốc gia Arab và châu Phi duy nhất tham gia các cuộc họp của AIPA, được thành lập năm 1977 với 10 nước thành viên thường trực và 12 nước quan sát viên.
Trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Chủ tịch El Malki khẳng định Maroc sẵn sàng tăng cường hợp tác với ASEAN, một tổ chức quan trọng trên thế giới và tham gia các hoạt động ngoại giao nghị viện với Hiệp hội.
Ông nêu rõ trong hai thập kỷ qua, Maroc đã chứng kiến một động lực hợp tác quốc tế mạnh mẽ chưa từng có ở cấp độ khu vực, châu lục và toàn cầu. Việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức lập pháp và nhà nước đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, hiểu biết, khoan dung và thịnh vượng mà "tất cả mọi người đều mong muốn truyền lại cho các thế hệ tương lai".
Chủ tịch Hạ viện El Malki cũng nhắc lại rằng Maroc đang là thành viên của nhiều hiệp hội khác nhau như Liên minh Nghị viện châu Phi, Nghị viện liên châu Phi, Liên minh Nghị viện Địa Trung Hải, Liên minh Nghị viện Arab, Nghị viện Arab, Liên minh Nghị viện Pháp ngữ và Liên minh Nghị viện của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo.
Ngoài ra, nước này cũng đang được hưởng tư cách "đối tác Địa Trung Hải" trong Hội đồng Nghị viện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), "đối tác vì dân chủ" trong Hội đồng Nghị viện của Hội đồng châu Âu và quan sát viên trong hầu hết các hội đồng Nghị viện tiểu vùng Mỹ Latinh./.