Mặt trái đằng sau sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc

Trung Quốc đã cho “chào đời” nhiều công trình xây dựng nổi tiếng và quan trọng. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hiện đại và hào nhoáng đó là cái giá mà những nhân công tạo nên các công trình này phải trả.
Mặt trái đằng sau sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc ảnh 1Một góc thành phố Thâm Quyến. (Nguồn: Business Insider)

Trong vòng bốn năm đầu thế kỷ 21, ông Wang Zhaohong làm việc cho một đội phá hủy công trình cũ ở Thâm Quyến, Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, mở đường cho công cuộc "thay da đổi thịt" cho Thâm Quyến, từ một ngôi làng nhỏ bé nằm sát biên giới thành một trung tâm thành phố năng động và sầm uất.

Giờ với dáng vẻ gầy mòn ốm yếu và vật lộn để giành lại hơi thở cho cuộc sống của mình, người đàn ông 50 tuổi nằm liệt giường này chia sẻ rằng công việc ấy đã khiến ông ra nông nỗi này.

Không có bảo hộ lao động, ông và những công nhân khác từ tỉnh Hồ Nam đã hít quá nhiều bụi trong quá trình xây dựng phát triển thành phố Thâm Quyến, để rồi giờ đây mang theo căn bệnh phổi do thường xuyên hít phải khí bụi có xylic. Nhưng trường hợp của ông Wang nặng hơn.

Tháng 12 này, Trung Quốc sẽ kỷ niệm 40 năm "Cải cách và Mở cửa," một chính sách kinh tế đã "thay máu" để Trung Quốc trở thành một nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cho dù hàng trăm triệu người dân đã thoát khỏi nghèo đói, song ông Wang và những người khác như ông là những nhân chứng sống cho sự trả giá bằng mạng người để đổi lại sự phát triển của Trung Quốc.

[Trung Quốc hướng tới mục tiêu kim ngạch nhập khẩu vượt 40.000 tỷ USD]

Khoảng 6 triệu người dân Trung Quốc đã mắc bệnh hoặc đã chết vì bệnh phổi do hít phải bụi kim, theo số liệu thống kê của tổ chức phi chính phủ ở Bắc Kinh Love Save Pneumoconiosis.

Hàng trăm công nhân đến từ tỉnh Hồ Nam đã biểu tình yêu cầu chính quyền bồi thường thiệt hại về sức khỏe. Chính quyền thành phố Thâm Quyến đã cấp cho một số công nhân các khoản bồi thường tùy thuộc vào tình trạng bệnh tật, với mức cao nhất là 220.000 nhân dân tệ (khoảng 32.000 USD). Tuy nhiên, mức bồi thường này là chưa đủ, theo Gu Fuxiang - một đại diện cho những công nhân biểu tình.

Tình hình dường như có vẻ không khá khẩm khi cuộc chiến đòi chính quyền bồi thường đã kéo dài gần 10 năm. "Chúng tôi đã đánh đổi cả mạng sống của mình vì sự phát triển. Chính quyền thì không quan tâm gì nếu chúng tôi ốm đau hay thiệt mạng," công nhân Gu chia sẻ.

Tăng trưởng của Thâm Quyến

Cuộc khủng hoảng về vấn đề công nhân mắc bệnh không chỉ xảy ra tại Trung Quốc. Các nhóm vận động ở Mỹ cũng đã phải vật lộn hàng chục năm qua để có được tiền bồi thường cho những công nhân qua đời vì "các bệnh liên quan đến bụi độc hại."

Tuy nhiên, sự bùng nổ phát triển và xây dựng của Trung Quốc đã gây ra con số tử vong chưa từng có tiền lệ chỉ trong vòng 40 năm qua. Không thành phố nào trong lịch sử lại tăng trưởng nhanh hơn Thâm Quyến, nơi mà sản lượng kinh tế lần đầu tiên trong năm 2017 đã vượt qua cả Hong Kong.

Mặt trái đằng sau sự phát triển kinh tế ở Trung Quốc ảnh 2Công nhân xây dựng làm việc trên một công trường ở Thâm Quyến. (Nguồn: clb.org.hk)

Thế nhưng, ít ai ngờ được rằng nhiều công trình xây dựng nổi tiếng và quan trọng ở Thâm Quyến khó có thể "chào đời" nếu không nhờ những bàn tay của thợ thuyền và công nhân đến từ nhiều thành phố và khu vực lân cận. Đằng sau vẻ hiện đại và hào nhoáng của ga tàu điện nối liền Thâm Quyến với Hong Kong và Bắc Kinh, của Trung tâm Tài chính Quốc tế Ping An cao thứ 4 trên thế giới, là cái giá mà những công nhân thợ thuyền tạo nên những công trình này phải trả.

Phần lớn trong số họ phải vay mượn họ hàng, bạn bè và thậm chí cả vay ngân hàng lãi suất cao để có tiền chi trả các đợt điều trị. Đó là chưa tính đến việc họ còn phải trang trải tiền học phí cho con cái của mình và các khoản thanh toán khác cho cuộc sống.

Trở lại câu chuyện của ông Wang ở trên, để có tiền thanh toán viện phí, ông phải vay tiền của một tổ chức cho vay nông thôn. "Họ vẫn cho tôi vay vì con trai tôi bảo lãnh sẽ trả họ khi tôi qua đời," ông tâm sự. Năm 2009, chính quyền Thâm Quyến đã chi khoản bồi thường 130.000 nhân dân tệ khi ông bị bệnh, song ông nói rằng con số này không đủ.

"Ở Trung Quốc, vấn đề không phải là thiếu tiền. Thâm Quyến có đủ quỹ bảo hiểm xã hội. Vấn đề là hệ tư tưởng," Pun Ngai, giáo sư về xã hội học tại trường Đại học Hong Kong, nhận định. Chính quyền Thâm Quyến không cho rằng họ phải chịu trách nhiệm về những công nhân bị bệnh này vì họ không phải là cư dân gốc của Thâm Quyến, vị giáo sư này giải thích.

Vì ổn định

Vì duy trì sự ổn định mà những câu chuyện về công nhân bị bệnh đã không thể lọt ra ngoài. Những công nhân bị bệnh chia sẻ với hãng tin Reuters rằng Bắc Kinh đã mạnh tay và đe dọa họ, không để cho họ "tố" những gì đang xảy ra ở thành phố này cho những người bên ngoài.

Giữa tháng 11 vừa qua, giới chức đã cấm mọi trang tin tức đưa tin hoặc công bố các câu chuyện về những công nhân Hồ Nam bị bệnh phổi do hít phải bụi kim. Các câu chuyện liên quan tình trạng sức khỏe của họ vốn được báo chí nhà nước đăng tải hồi năm 2009 giờ đều bị "đánh chìm."

Tình trạng kiểm duyệt thông tin này diễn ra song song với chính sách kiểm duyệt chính trị gắt gao trên toàn quốc trong vòng 5 năm qua. Tháng 8/2018, khoảng 50 sinh viên và nhà hoạt động trên cả nước đã đến Thâm Quyến để biểu tình phản đối tình trạng làm việc nghèo nàn và tồi tệ ở nhà máy hàn kim Jasic khiến công nhân nhà máy lâm bệnh. "Năm nay, vụ công nhân bị bệnh phổi do hít phải bụi kim đã trở thành một vấn đề tế nhị vì chính quyền lo ngại vụ việc này sẽ liên đới tới vụ nhà máy Jasic," giáo sư Pun nói.

Trong năm 2018, những công nhân mắc bệnh đã có 11 chuyến đi đến Thâm Quyến, yêu cầu chính quyền bồi thường, từ 500.000-1,1 triệu nhân dân tệ, tùy thuộc vào tình trạng của mỗi người. Tuy nhiên, họ vẫn đang đợi câu trả lời từ chính quyền.

Với ông Wang lúc này, chẳng có gì khiến ông lo lắng hơn mối lo về gánh nặng nợ nần mà ông để lại cho con cháu mình. "Đất nước chúng tôi đã phát triển quá nhanh chóng trong vòng 40 năm qua, nông dân không còn phải cúi mặt cho đất, bán lưng cho trời nữa. Đó thật là tuyệt vời", ông nói trong vẻ tự hào mà đầy khó nhọc khi phải thờ nhờ thiết bị hỗ trợ. "Ước gì tôi không bị nằm liệt giường. Khi ấy, tôi có thể đi đây đó khám phá mọi nơi. Tiếc thay, tôi sẽ sớm lìa cuộc đời này," ông đăm chiêu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục