Meta yêu cầu người dùng châu Âu 'đồng ý' chia sẻ dữ liệu

Meta dự định yêu cầu những người dùng ở EU cấp quyền đồng ý trước khi cho phép các quảng cáo mục tiêu xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội của mình, trong đó có Facebook.
Meta yêu cầu người dùng châu Âu 'đồng ý' chia sẻ dữ liệu ảnh 1Biểu tượng của Meta tại lối vào trụ sở ở Menlo Park, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

“Gã khổng lồ” truyền thông xã hội Meta ngày 1/8 cho biết công ty này dự định yêu cầu những người dùng ở Liên minh châu Âu (EU) cấp quyền đồng ý trước khi cho phép các quảng cáo mục tiêu (hình thức quảng cáo trực tuyến, hướng đến một đối tượng khán giả có các đặc điểm cụ thể) xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội của mình, trong đó có Facebook, trước áp lực từ các nhà quản lý châu Âu.

Meta cho biết những thay đổi này là để giải quyết các yêu cầu pháp lý đang diễn ra và mới xuất hiện trong bối cảnh mâu thuẫn gay gắt với Ủy ban Bảo vệ dữ liệu Ireland, cơ quan giám sát các quy tắc dữ liệu của EU ở Ireland, nơi Meta điều hành các hoạt động ở châu Âu.

Hồi tháng 1/2023, các nhà quản lý châu Âu đã bác bỏ cơ sở pháp lý (lợi ích hợp pháp) trước đó mà Meta đã sử dụng để biện minh cho việc thu thập dữ liệu cá nhân của người dùng cho quảng cáo mục tiêu.

[Meta chặn người dùng Canada truy cập tin tức trên Facebook, Instagram]

Hiện tại, người dùng Facebook và Instagram theo mặc định đã bật quyền đó, qua đó cung cấp dữ liệu của họ cho Meta để Meta có thể tạo ra hàng tỷ USD từ những quảng cáo như vậy.

Meta cho biết thông báo trên cho thấy ý định thay đổi cơ sở pháp lý mà Meta sử dụng để xử lý một số dữ liệu nhất định cho hành vi quảng cáo cho những người ở EU, Khu vực kinh tế châu Âu (EEA)) và Thụy Sỹ từ “lợi ích hợp pháp” thành “sự đồng ý.”

Meta cho biết công ty sẽ chia sẻ thêm thông tin trong những tháng tới khi tiếp tục "tương tác mang tính xây dựng" với các cơ quan quản lý.

Cùng ngày, Meta đã chặn người dùng tại Canada truy cập các trang tin tức trên nền tảng Facebook và Instagram nhằm phản ứng với một đạo luật mới áp dụng với các tập đoàn công nghệ lớn.

Các tập đoàn như Meta và Google phải trả tiền cho các hãng tin để đăng tải bài viết trên nền tảng của mình.

Trong tuyên bố, Meta nêu rõ người dùng Facebook và Instagram tại Canada sẽ không truy cập được vào các liên kết tin tức và nội dung do các nhà xuất bản và đài truyền hình trong nước đăng tải.

Ngoài ra, người dùng cũng sẽ không thể xem và chia sẻ những tin tức được đăng trên các trang báo nước ngoài trên hai nền tảng nêu trên.

Meta lưu ý rằng những thay đổi này bắt đầu từ ngày 1/8 và sẽ được triển khai trong một vài tuần tới.

Đạo luật Tin tức trực tuyến (Luật C-18) của Canada quy định các tập đoàn như Meta và Google phải đàm phán thỏa thuận thương mại và trả tiền để có được những nội dung từ các nhà xuất bản.

Quy định này tương tự nội dung đạo luật mang tính đột phá được Australia đưa ra năm 2021.

Quốc hội Canada chính thức thông qua luật trên hồi tháng Sáu vừa qua, trong bối cảnh ngành truyền thông Canada đang gặp khó khăn khi hàng trăm ấn phẩm phải dừng phát hành trong thập niên qua.

Theo báo cáo được Cơ quan giám sát ngân sách Quốc hội Canada công bố hồi tháng 10/2022, ước tính luật mới sẽ giúp các cơ quan truyền thông Canada thu được khoảng 330 triệu CAD (250 triệu USD)/năm từ các nền tảng số.

Tuy nhiên, Meta cho rằng luật này còn thiếu sót và dựa trên “giả thuyết không chính xác về việc Meta được hưởng lợi không công bằng từ nội dung tin tức được chia sẻ trên nền tảng.”

Thay vào đó, các đơn vị báo chí mới là đối tượng được hưởng lợi từ việc chia sẻ tin tức trên Facebook, Instagram nhằm thu hút độc giả, tăng lợi nhuận. Meta nhấn mạnh người dùng không tìm đến họ để truy cập vào tin tức.

Chính giới Canada đã lên tiếng chỉ trích động thái trên của Meta. Bộ trưởng Di sản Canada Pascale St-Onge đánh giá việc chặn người dùng truy cập tin tức là "vô trách nhiệm", trong khi 80% tổng doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Canada đổ về Meta và Google.

Trong khi đó, đài truyền hình CBC của Canada cho biết đang kêu gọi Meta "hành xử có trách nhiệm," theo đó khôi phục quyền truy cập tin tức của người dùng ở Canada./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục