Mexico và năm kịch bản về tương lai của hiệp định NAFTA

Trường hợp NAFTA không thay đổi sẽ là một kịch bản tích cực đối với kinh tế Mexico nhưng điều này không có khả năng xảy ra trước chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Trump.
Đồng USD của Mỹ và đồng peso của Mexico. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo dự kiến, việc tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gồm Mexico, Mỹ và Canada, sẽ bắt đầu vào giữa năm nay, sau khi Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch của Tổng thống Donald Trump, và kinh tế Mexico sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tương lai của NAFTA.

Các chuyên gia kinh tế đã đưa ra những kịch bản mà Mexico sẽ phải đối mặt liên quan tới tương lai của NAFTA - hiệp định có hiệu lực từ năm 1994. Hơn 80% xuất khẩu của quốc gia này, tương ứng 25% GDP, đang được hưởng lợi từ NAFTA.

Trường hợp NAFTA không thay đổi sẽ là một kịch bản tích cực đối với kinh tế Mexico. Tuy nhiên, theo đánh giá của các hãng xếp hạng tín nhiệm và thể chế tài chính trong và ngoài nước, điều này không có khả năng xảy ra trước chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump.

Hai là có những điều chỉnh trong NAFTA về thương mại, qua đó gây khó khăn cho xuất khẩu của Mexico sang Mỹ. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s nhận định xuất khẩu của Mexico sang Mỹ sẽ giảm 5% và GDP của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh sẽ suy giảm khoảng 1%.

Khả năng thứ ba, phía Mỹ sẽ áp thuế nhập khẩu từ 20-35% theo đề xuất của đảng Cộng hòa liên quan tới Thuế điều chỉnh biên giới (BAT). Nếu điều này xảy ra, xuất khẩu của Mexico sang Mỹ sẽ giảm 10%, kéo theo đó là sự suy giảm kinh tế trên 1%.

Ngoài ra, điều này có thể dẫn đến sự gia tăng các khoản nợ liên bang, trong trường hợp Mexico mở rộng chính sách tài khóa hay tăng chi tiêu để bù đắp “đòn giáng” của chính sách thương mại. Kịch bản này có thể dẫn tới sự mất giá của đồng nội tệ peso, sự đình trệ của ngành công nghiệp lắp ráp, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp và hệ quả là kinh tế suy thoái.

Một kịch bản tích cực khác đó là NAFTA được cập nhật và hiện đại hóa, trong đó đưa vào những lĩnh vực mới như năng lượng và viễn thông, qua đó, tạo ra một hiệp định có lợi cho cả ba bên.

Cuối cùng, kịch bản tồi tệ nhất: NAFTA đổ vỡ sẽ khiến Mexico rơi vào suy thoái khi GDP giảm hơn 3%, cùng với đó xuất khẩu cũng giảm tới 25%. Rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Mexico trong kịch bản này là Tổng thống Donald Trump tiến thêm một bước xa hơn và rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hoặc "ngó lơ" các nguyên tắc, quy định của tổ chức này. Điều này cho phép ông Trump thực hiện cam kết trong chiến dịch tranh cử về áp thuế nhập khẩu 35% đối với hàng hóa của Mexico.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Mexico. Hơn 80% hàng hóa xuất khẩu của Mexico là sang Mỹ và ngược lại, 46% nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh là từ quốc gia láng giềng phía Bắc.

Theo số liệu của Viện Thống kê và Địa lý Mexico (Inegi), trong năm ngoái, kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước đạt hơn 525 tỷ USD, với thặng dư trên 63 tỷ USD nghiêng về phía Mexico./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục