MH370: Chiến dịch tìm máy bay thương mại dài nhất

Tìm kiếm máy bay MH370 của Malaysia Airlines là chiến dịch kéo dài nhất đối với một máy bay thương mại bị mất tích.
MH370: Chiến dịch tìm máy bay thương mại dài nhất ảnh 1Malaysia tìm kiếm máy bay mất tích MH370. (Nguồn: THX/ TTXVN)

Ngày 20/3, công việc tìm kiếm máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines đã bước sang ngày thứ 13, trở thành chiến dịch tìm kiếm dài nhất, chưa từng có đối với một máy bay thương mại bị mất tích, và cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Chuyến bay MH370 cất cánh từ sân bay quốc tế Kuala Lumpur vào khoảng 0 giờ 41 phút ngày 8/3 (giờ Malaysia) và dự kiến đến Bắc Kinh vào 6 giờ 30 phút (giờ địa phương) cùng ngày, nhưng nó đã biến mất khỏi màn hình radar không bao lâu sau khi cất cánh.

Trước đó, chiến dịch tìm kiếm dài nhất đối với một máy bay thương mại mất tích là trường hợp của chiếc máy bay Boeing 737-400 mang số hiệu 574 của hãng Adam Air, Indonesia. 

Phải 10 ngày sau người ta mới tìm được chiếc máy bay này sau khi nó bị mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu. Chuyến bay 574 đã mất tích ngoài khơi bờ biển Nam Sulawesi của Indonesia vào ngày 1/1/2007.

Người đầu tiên phát hiện ra chiếc máy bay 574 là một ngư dân khi ông tìm thấy mảnh cánh đuôi máy bay có số hiệu phù hợp với máy bay mất tích.

Chiếc Boeing 737-400 chở theo 96 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn đã bị rơi xuống biển. Tất cả 102 người trên khoang đã thiệt mạng. Mãi đến tháng 8/2007 người ta mới lấy được các hộp đen của nó và đưa đi phân tích.

Báo cáo cuối cùng ra ngày 25/3/2008 đã kết luận rằng các phi công mất quyền kiểm soát của máy bay sau khi đã vô tình ngắt chế độ lái tự động của máy bay khi sửa chữa hệ thống định hướng.

Chiến dịch tìm kiếm dài ngày tiếp theo là chuyến bay mang số hiệu 447 của Air France, kéo dài 5 ngày. 

Ngày 1/6/2009, chiếc phi cơ số hiệu AF 447 của Air France cất cánh từ Rio de Janeiro, Brazil với đích đến là Paris, Pháp. AF 447 đã bị rơi xuống Đại Tây Dương, dẫn đến cái chết của tất cả 216 hành khách và 12 phi hành đoàn. 

Năm ngày sau, ngày 6/6/2009, người ta đã phát hiện thi thể hành khách của chiếc máy bay, lực lượng tìm kiếm Brazil vớt được hai thi thể và một valy chứa vé của chuyến bay 447 trên Đại Tây Dương, gần nơi chiếc Airbus A330 được cho là gặp nạn.

Trong khi đó, chiếc máy bay mang số hiệu 990 của hãng hàng không Ai Cập, Egypt Air, bị rơi xuống Đại Tây Dương ngày 31/10/1999 trên đường từ Los Angeles, Mỹ, đến Cairo, Ai Cập, khoảng 60 dặm về phía nam của của đảo Nantucket, Massachusetts, làm tất cả 217 người trên khoang thiệt mạng.

Hoạt động tìm kiếm và cứu hộ đã được triển khai trong vòng vài phút sau khi máy bay biến mất khỏi màn hình radar, chủ yếu là do lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ (USCG) thực hiện.

Khi bình minh ló dạng, tàu huấn luyện Kings Pointer của Học viện Lính thủy đánh bộ Mỹ đã phát hiện một vệt dầu và một số mảnh vỡ. Nỗ lực cứu nạn tiếp diễn khi các tàu cứu nạn và trực thăng được cử đến, một đội canô của USCG đã lùng sục trong vùng biển rộng 26.000km2 vào ngày 31/10/1999 với hy vọng tìm được những người sống sót nhưng chẳng phát hiện được thi thể nào.

Cuối cùng, các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn đã ngừng vào ngày hôm sau, 1/11/1999.

Chuyến bay mang số hiệu MH370 khởi hành từ Kuala Lumpur đi Bắc Kinh chở theo 239 hành khách và thành viên tổ bay. Máy bay ngừng liên lạc với trung tâm điều khiển bay lúc 1 giờ 21 phút ngày 8/3 ở vùng biển tiếp giáp giữa Việt Nam và Malaysia.

Sau đó, máy bay bị ai đó có mặt trong buồng lái chuyển hướng một cách có chủ đích sang bờ biển phía Tây Bắc Malaysia sau khi đã tắt hệ thống liên lạc thông thường. Tín hiệu cuối cùng từ máy bay mà radar quân đội thu được là vào lúc 2 giờ 15 phút tại Eo biển Malacca.

Tín hiệu trao đổi cuối cùng giữa máy bay và vệ tinh là vào lúc 8 giờ 11 phút cùng ngày, ở địa điểm không xác định. Nhà chức trách Malaysia đã giới hạn tìm kiếm ở hai hành lang bay, phía Bắc Thái Lan dọc theo biên giới Kazakhstan, Turkmenistan, và hành lang phía Nam Ấn Độ Dương.

Hiện có 26 nước đang tham gia tìm kiếm chiếc máy bay MH370 mất tích của hàng không Malaysia Airlines./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Ông Khamkhan Chanthavisouk, Ủy viên Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Bí thư, Tỉnh trưởng tỉnh Luang Prabang (đứng thứ 4 từ bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn đại biểu Ban tổ chức Giải Viettel Marathon chặng Lào.

Luang Prabang sẵn sàng cho giải chạy Viettel Marathon 2024

Lần đầu tiên Luang Prabang tổ chức một giải chạy đường bằng có cự ly 42,195km, nên ngoài thách thức thì đây cũng là điểm nhấn để giải chạy trở thành sự kiện quảng bá đến bạn bè quốc tế.