Miền Nam trước ngày giải phóng qua góc nhìn của phóng viên TTXVN

Không xoáy vào khái niệm thắng-thua, tác phẩm “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của tác giả Trần Mai Hạnh là câu chuyện về sự sụp đổ tất yếu của những điều phi nghĩa.
Miền Nam trước ngày giải phóng qua góc nhìn của phóng viên TTXVN ảnh 1Phóng viên Trần Mai Hạnh (đeo kính) và các phóng viên Thông tấn xã Giải phóng trước cửa ngõ Sài Gòn sáng 30/4/1975. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

“Một lần nữa, tôi muốn nhấn mạnh rằng, những giờ phút huy hoàng của lịch sử dân tộc đã làm nên giá trị cho các tác phẩm báo chí, văn chương của tôi. Nếu không có cơ may của lịch sử và cơ duyên đặc biệt của cuộc sống thì tôi đã không thể cho ra đời ‘Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75’,” nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh chia sẻ bên lề buổi ra mắt bản dịch tiếng Anh của cuốn sách diễn ra sáng nay (27/4) tại Hà Nội.

Hồi ức về ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ùa về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt ông. Tháng 4/1975, tác giả Trần Mai Hạnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với tư cách đặc phái viên của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam).

[“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” - Nhật ký ngày Hòa Bình]

Ông đã trở thành người chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập và tận hưởng khung cảnh rực sáng của Sài Gòn - “hòn ngọc Viễn Đông” đêm đầu tiên trở về trong lòng dân tộc…

Để rồi từ đó, sau bốn thập kỷ, nhà báo-nhà văn Trần Mai Hạnh đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết tư liệu “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” với nội dung phục dựng lại quá khứ, tái hiện những sự kiện làm rúng động lịch sử đấu tranh của dân tộc qua nước mắt, nỗi đau, sự hy sinh và cả niềm hạnh phúc của những người trong cuộc.


“Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”
viết về những ngày cuối cùng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa kể từ chiến thắng Phước Long (1/1975) của quân giải phóng tới những giờ phút lịch sử trưa ngày 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập.

Trong bối cảnh định mệnh đó, chân dung của người đứng đầu chính quyền Việt Nam Cộng hòa và hầu hết các tướng lĩnh trong quân đội Sài Gòn được khắc họa sống động bằng những đường nét sắc gọn, chi tiết đắt giá.

Miền Nam trước ngày giải phóng qua góc nhìn của phóng viên TTXVN ảnh 2Bản dịch tiếng Anh của cuốn sách được phát hành nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam.

Nói khác đi, đây là bức phác thảo toàn cục và chi tiết về toàn bộ quá trình hoang mang, tan rã và sụp đổ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh. Tác giả Trần Mai Hạnh cho biết, phần lớn những tư liệu để xây dựng tác phẩm do ông thu thập, ghi chép được trong thời gian làm phóng viên chiến trường.

[Từ bài tường thuật đầu tiên đến biên bản một cuộc chiến, một tình yêu]

“Tôi đặc biệt may mắn khi được các cơ quan trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác những tài liệu mật (thời điểm đó) của phía bên kia - chính quyền Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ,” nhà văn-nhà báo Trần Mai Hạnh chia sẻ.

Cụ thể, đó là các tài liệu: biên bản các cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia của chính quyền Việt Nam Cộng hòa; điện chỉ huy tác chiến của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ; thư từ điện tín của hai Tổng thống Mỹ (Nixon, Ford) gửi Nguyễn Văn Thiệu và văn bản trả lời của Nguyễn Văn Thiệu; phúc trình của tướng lĩnh các quân khu, quân đoàn, sư đoàn trình bày chi tiết về diễn biến quá trình sụp đổ…

Không xoáy vào khái niệm thắng-thua, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là câu chuyện về sự sụp đổ tất yếu của những điều phi nghĩa.

“Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian. Lịch sử và cuộc sống luôn là những dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai,” tác giả Trần Mai Hạnh chia sẻ.

Miền Nam trước ngày giải phóng qua góc nhìn của phóng viên TTXVN ảnh 3"Giấy công tác đặc biệt" do Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định cấp cho phóng viên Trần Mai Hạnh sáng 1/5/1975. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hạnh cung cấp)

Phiên bản tiếng Anh của “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” do dịch giả Mạnh Chương chuyển ngữ, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phát hành nhân kỷ niệm 42 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2017).

Tác phẩm ra mắt độc giả lần đầu tiên vào tháng 4/2014, sau đó liên tục được tái bản. “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” đã được trao Giải thưởng Văn học năm 2014 (Hạng mục Văn xuôi) của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2016, Ban chấp hành Hội Nhà văn quyết định dịch cuốn tiểu thuyết tư liệu của nhà văn-nhà báo Trần Mai Hạnh sang tiếng Anh nhằm giới thiệu, quảng bá các tác phẩm văn học viết về sự nghiệp đấu tranh giữ nước, giải phóng dân tộc và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam tới bạn đọc trên thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục