Các nhà khoa học Mỹ cảnh báo khu vực miền Tây nước này đang trải qua thời kỳ khô hạn trầm trọng nhất trong hơn 1.000 năm qua.
Trong công trình nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Science, các nhà khoa học tại Đại học Columbia cho biết giai đoạn 2000-2018 là thời kỳ khô hạn nhất ở miền Tây nước Mỹ kể từ cuối những năm 1500 và là thời kỳ khô hạn thứ 2 kể từ năm 800 sau Công nguyên.
Để đưa ra kết luận trên, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu vòng sinh trưởng của khoảng 30.000 cây xanh ở 1.586 địa điểm khác nhau để đo lượng mưa và độ ẩm của đất trong hàng thế kỷ qua.
Kết quả cho thấy trên khắp khu vực miền Tây nước Mỹ rộng lớn, hai thập kỷ vừa qua bị xem là giai đoạn khô hạn nghiêm trọng nhất trong 1 thiên niên kỷ, trong đó các bang Arizona và California chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tình trạng hạn hán đã làm bùng phát số vụ cháy rừng cao kỷ lục, thiêu rụi hàng triệu cây cối, làm cạn kiệt nguồn nước ngầm và giảm hàm lượng ẩm trong đất.
[Thế giới thiệt hại 600.000 tỷ USD nếu chống biến đổi khí hậu thất bại]
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy thế kỷ 20 là thế kỷ ghi nhận lượng mưa cao nhất trong 1.200 năm qua.
Các nhà khoa học cho rằng tình trạng nóng lên toàn cầu do tác động của biến đổi khí hậu là nguyên nhân khiến khu vực Tây Nam của Bắc Mỹ rơi vào tình trạng hạn hán dai dẳng, đồng thời cảnh báo đây dường như mới chỉ là sự khởi đầu của một thời kỳ khô hạn kéo dài trong bối cảnh nhiệt độ trên Trái Đất tiếp tục gia tăng./.