Mở rộng giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh vùng khó

Năm học 2015-2016, chương trình "Giáo dục dinh dưỡng học đường" sẽ mở rộng thêm 15 trường tiểu học thuộc Đà Nẵng, Lâm Đồng và Đăk Lăk.
Mở rộng giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho học sinh vùng khó ảnh 1Các em học sinh học về kiến thức dinh dưỡng. (Ảnh: Nestlé)

Năm học 2015-2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công ty Nestlé Việt Nam sẽ mở rộng chương trình "Giáo dục dinh dưỡng học đường - Nestlé Healthy Kids" thêm 15 trường tiểu học thuộc các tỉnh Đà Nẵng, Lâm Đồng và Đ​ăk L​ăk.

Theo đó, tổng số trường tiểu học tham gia chương trình này trên cả nước sẽ nâng lên thành 33 trường, tổng số học sinh được cung cấp kiến thức về dinh dưỡng là 25.000 em.

Đây là một trong những nội dung thỏa thuận hợp tác được Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Công ty Nestlé Việt Nam ký kết sáng nay, ngày 30/9, tại Hà Nội.

Cụ thể, mỗi tỉnh Đà Nẵng, Lâm Đồng và Đ​ăk L​ăk sẽ có 5 trường tiểu học tham gia chương trình "Giáo dục dinh dưỡng học đường." Trong đó, 6 trường được Công ty Nestlé Việt Nam hỗ trợ xây dựng phòng máy tính, 9 trường (đã có sẵn phòng máy vi tính) được cung cấp phần mềm, tài liệu và các đồ dùng học tập về kiến thức dinh dưỡng học đường.

Chương trình "Giáo dục dinh dưỡng học đường – Nestlé Healthy Kids" được triển khai lần đầu tiên từ năm 2012, do Công ty Nestlé Việt Nam phối hợp với Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện.

Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao kiến thức và thực hành về dinh dưỡng cho các em học sinh tiểu học thông qua phương pháp giảng dạy tương tác, thú vị.

Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia và Công ty Nestlé Việt Nam đã xây dựng phần mềm giáo dục dinh dưỡng tại website http://ddhd.viendinhduong.vn, cập nhật các thông tin, kiến thức về dinh dưỡng cùng những trò chơi tương tác giúp các em nhỏ, các phụ huynh và các thầy cô nâng cao kiến thức về dinh dưỡng và vận dụng vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Học sinh sẽ được học 12 chuyên đề với các trò chơi tương tác trên máy tính. Cuối mỗi chuyên đề và sau một năm thực hiện chương trình, các em sẽ làm bài kiểm tra về kiến thức dinh dưỡng.

Theo ông Trương Thế Vinh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phú Lộc, tỉnh Ninh Bình, nhà trường đã có hai năm tham gia dự án. “Mặc dù thêm nội dung nhưng học sinh không thấy áp lực vì các bài học rất thú vị với các hình ảnh sinh động. Đây cũng là một chương trình kỹ năng sống cho học sinh về chế độ dinh dưỡng an toàn, khỏe mạnh,” ông Vinh cho biết.

Tổng kết sơ bộ của dự án cũng cho thấy, sau một năm thực hiện chương trình "Giáo dục dinh dưỡng học đường," 100% học sinh tự tính toán, đánh giá được tình trạng dinh dưỡng của mình, hơn 70% học sinh thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục. Nhiều học sinh đã tác động đến gia đình để có chế độ dinh dưỡng hơn cho cả nhà.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng chương trình sẽ được tiếp tục mở rộng hơn nữa, đặc biệt hướng tới các em học sinh tại các vùng sâu, vùng xa trong những năm tới, giúp học sinh có kiến thức về dinh dưỡng, nhằm nâng cao thể lực và trí tuệ cho thế hệ trẻ Việt Nam,” bà Trần Thị Thắm, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục