Mỡ thừa là một vấn đề nan giải, luôn khiến cả nữ và nam giới đau đầu. Ngoài vấn đề thẩm mỹ, mỡ thừa ở vùng bụng còn là dấu hiệu cảnh báo về sức khỏe. Vậy mỡ thừa ở vùng bụng có tác hại gì và bạn cần làm gì để duy trì vóc dáng và có được một sức khỏe tốt?
Tác hại của mỡ thừa ở vùng bụng
Mỡ thừa ở vùng bụng là tình trạng mỡ tích tụ quá mức ở vòng 2, gây nên hiện tượng thừa cân, béo phì. Hiện tượng này xuất hiện thường do một số nguyên nhân gây nên như lười vận động, ngồi nhiều; bị stress, căng thẳng lâu ngày; sinh hoạt, ăn uống bất hợp lý và yếu tố di truyền.
Tình trạng béo bụng không chỉ giới hạn ở các lớp mỡ dưới da mà còn bao gồm cả mỡ nội tạng - lớp mỡ nằm sâu bên trong bụng, bao quanh các cơ quan nội tạng. Và dù cho cân nặng của bạn thế nào, lớp mỡ bụng nhiều có thể làm tăng nguy cơ mắc một số căn bệnh.
Xương khớp
Mỡ bụng nhiều khiến xương khớp của cơ thể phải chịu một áp lực rất lớn, lâu dần khiến chúng dễ bị thoái hóa, gây đau nhức, đi lại khó khăn.
Mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ
Vòng bụng càng lớn, càng tích tụ nhiều mỡ thì quá trình chuyển hóa trong cơ thể bị ảnh hưởng và nguy cơ gây rối loạn lipid máu cũng tăng cao. Hơn nữa, khi máu nhiễm mỡ quá nhiều thì cho dù gan có hoạt động hết công suất cũng không thể nào loại bỏ hết lượng mỡ dư thừa trong máu được.
Lượng mỡ tồn đọng sẽ tích lũy ở gan và gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ để lâu không được điều trị có thể gây xơ gan, ung thư gan.
Bệnh tim mạch
Béo bụng thường đi kèm với rối loạn mỡ trong máu hoặc cholesterol cao. Lượng cholesterol cao gây xơ hóa lòng mạch máu gây cản trở quá trình tuần hoàn máu trong cơ thể.
Cơ tim bị thiếu máu, thiếu ôxy nên hoạt động không còn hiệu quả, nhanh bị suy yếu và mắc bệnh. Nguy hiểm hơn, nếu như các mảng bám trong thành mạch quá dày thì có thể gây ra tắc mạch hoàn toàn, lúc này nguy cơ đau tim và đột quỵ rất cao.
Bệnh tiểu đường
Mỡ bụng cũng có liên quan mật thiết đến bệnh tiểu đường. Béo bụng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tiểu đường tuýp 2. Đó là lý do nhiều chuyên gia nói rằng độ lớn của vòng 2 tỷ lệ thuận với nguy cơ bị bệnh tiểu đường.
Rối loạn nội tiết tố
Mỡ bụng càng tăng thì nội tiết tố trong cơ thể sẽ dễ bị rối loạn. Rối loạn nội tiết tố không chỉ gây ra các tình trạng như mất ngủ, dễ cáu gắt, da nổi mụn, xỉn màu da, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt... mà nó còn có thể gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm khác cho cơ thể, thậm chí còn làm tăng nguy cơ ung thư cao hơn.
Ung thư vú
Không chỉ xảy ra đối với nữ giới mà ngay cả nam giới nếu bị béo bụng cũng có thể mắc ung thư vú dễ dàng hơn. Bởi khi lượng chất béo trong cơ thể càng cao thì lượng estrogen sẽ càng nhiều, khả năng mắc ung thư vú cũng tăng hơn.
Ngoài nguy cơ mắc ung thư vú thì phụ nữ béo bụng còn đối mặt với nguy cơ ung thư buồng trứng khá cao.
Thân hình mất cân đối
Người có nhiều mỡ bụng khiến thân hình trở nên đồ sộ, xấu xí, vùng da bụng bị kéo căng sẽ trở nên rạn nứt, mất thẩm mỹ. Người có nhiều mỡ bụng coi đó là một khiếm khuyết của cơ thể. Từ đó trở nên mất tự tin, không dám diện những trang phục mình yêu thích, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống cũng như công việc.
Phòng ngừa hình thành mỡ bụng như thế nào?
Mỡ bụng nhiều thực sự là mối nguy hiểm cho sức khỏe của bạn. Vì vậy, bạn nên có những biện pháp phòng ngừa béo bụng để bảo vệ sức khỏe lâu dài của bản thân.
Bạn cần chú ý kiểm soát cân nặng của bạn, bởi thừa cân béo phì đều là nguyên nhân gây ra béo bụng; tránh các loại thức ăn có chứa nhiều dầu mỡ, hạn chế đồ ngọt và thức ăn nhanh.
Bạn không nên ngồi một chỗ quá lâu và khi ngồi cần phải ngồi thẳng lưng để phần mỡ không dồn về bụng và tích lũy ở đó, gây ra béo bụng.
Nên tranh thủ mọi thời gian để vận động như đi bộ, đạp xe... cũng là cách giảm mỡ ở bụng hiệu quả.
Ngủ sớm, ngủ đủ giấc để hormone thèm ăn không tiết ra quá mức thì bạn dễ kiểm soát lượng thức ăn đưa vào hàng ngày, hạn chế béo bụng hiệu quả.
Bên cạnh đó, bạn tuyệt đối không ăn khuya vì đây là nguyên nhân gây ra béo bụng rõ rệt.
Bạn hãy tập thể dục ít nhất 3 lần/tuần sẽ làm giảm nguy cơ béo bụng đáng kể./.