Mở trường bay đào tạo nguồn nhân lực phi công tại Việt Nam

Việt Nam chưa có các hoạt động huấn luyện bay dân sự trong nước. Tất cả các học viện phi công nước ta phải ra nước ngoài để thực hiện giai đoạn huấn luyện bay.
Lễ ký kết thành lập trường bay đào tạo nguồn nhân lực phi công tại Việt Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Việt Nam chưa có các hoạt động huấn luyện bay dân sự trong nước. Tất cả các học viên phi công Việt Nam phải ra nước ngoài để thực hiện giai đoạn huấn luyện bay và kèm với đó là những khoản chi phí lớn cùng chất lượng huấn luyện không đồng đều.

Trong khuôn khổ chuyến công tác thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại của Chính phủ New Zealand tới Việt Nam, Eagle Flight Training - Trường bay của New Zealand đã ký kết Hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Hàng không (AESC) về việc thành lập trường bay tại sân bay Chu Lai, tỉnh Quảng Nam vào chiều ngày 15/11.

Dự án trường bay mang thương hiệu Eagle Flight Training tới đây sẽ tăng cường sự hiện diện của New Zealand trong lĩnh vực huấn luyện bay với chất lượng cao tại Việt Nam và thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa nhà chức trách hàng không hai quốc gia.

"Một đất nước với hơn 92 triệu dân không thể phát triển bền vững ngành công nghiệp hàng không của riêng mình nếu không phát triển năng lực tự đào tạo và sát hạch các phi công mới ngay trên không phận của quốc gia," ông Alexander Zapisetskiy Giám đốc Điều hành Eagle Flight Training nhấn mạnh.

Phát biểu tại lễ ký, ông Trần Hải Đăng, Giám đốc điều hành của AESC tin tưởng rằng, với tầm nhìn dài hạn, liên doanh này sẽ mang lại hiệu quả chi phí, cùng chất lượng đào tạo với tiêu chuẩn New Zealand dành cho các học viên Việt Nam ngay  trong nước và từng bước xây dựng đội ngũ nhân sự  giáo viên bay,  giáo viên sát hạch bay cho ngành công nghiệp hàng không Việt Nam trong tương lai.

“Trong sự hợp tác này, AESC sẽ thực hiện công tác bảo dưỡng máy bay, huấn luyện và đào tạo nhân viên kỹ thuật hàng không, đồng thời chịu trách nhiệm về hoạt động marketing và tuyển dụng học viên. Thị trường của chúng tôi không chỉ ở Việt nam mà còn phục vụ các học viên đến từ Lào, Campuchia, Myanmar,” ông Trần Hải Đăng nói.

Mục tiêu của Dự án là đào tạo khoảng 300 học viên phi công mỗi  năm bắt đầu từ  2020, với việc huấn luyện bay đến mức đủ điều kiện cấp Chứng chỉ Người lái máy bay tư nhân (Private Pilot License) tại Việt Nam, sau đó học viên sẽ sang New Zealand và hoàn thành Chứng chỉ Người lái máy bay thương mại (Commercial Pilot License).

“Đây sẽ là một hoạt động đa dạng bao gồm việc phối hợp giữa giáo viên bay, hệ thống quản lý của New Zealand và Việt Nam. Dự án này kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía nhà chức trách hàng không của cả hai quốc gia, Cơ quan Quản lý chất lượng đào tạo của Chính phủ New Zealand, Cơ quan Giáo dục Chính phủ New Zealand."

"Chúng tôi cũng mong muốn được hợp tác với Công ty Bay Việt, các hãng hàng không trong nước, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ giáo dục và Đào tạo của Việt Nam để nhân rộng mô hình đào tạo phi công đang được thực hiện thành công tại New Zealand vào Việt nam,” ông Alexander Zapisetskiy chia sẻ./.

Eagle Flight Training chuyên đào tạo học viên New Zealand và học viên quốc tế đến cấp độ họ có thể sẵn sàng gia nhập vào đội ngũ phi công vận tải hàng không, bao gồm tất cả các cấp độ từ đào tạo chứng chỉ người lái tàu bay tư nhân (PPL) đến huấn luyện phối hợp tổ lái nhiều thành viên (MCC).

Được thành lập vào năm 2008, AESC là công ty tư nhân đầu tiên được phê duyệt và chứng nhận bởi Cục Hàng không dân dụng Việt Nam là Tổ chức bảo dưỡng máy bay theo Quy chế hàng không VAR-145 chuyên cung cấp cac dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa, đại tu (MRO) cho các cấu kiện bộ phận máy bay.

Sau gần 8 năm phát triển, AESC đã vinh dự được trao Chứng nhận Tổ chức bảo dưỡng (Part 145) của cả Cơ quan An toàn Hàng không Châu Âu (EASA) và Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Hiện nay, AESC đa mở rộng năng lực của mình sang các lĩnh vưc khác như sản xuất phụ tùng nội thất máy bay, sản xuất trang thiết bị mặt đất, phân phối phụ tùng máy bay, tư vấn hàng không và đào tạo hàng không.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục